Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

 Sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Luật bảo hiểm y tế được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

Luật bảo hiểm y tế được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hoá quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT - một trong những chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước về BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền về BHYT đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, tổng số người tham gia BHYT là 59,3 triệu, tăng 9 triệu người so với năm 2009, đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số. Người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều đối tượng xã hội khác đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ để tham gia BHYT. Mạng lưới cơ sở y tế được tổ chức rộng khắp, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), kỹ thuật y tế hiện đại, chất lượng hơn, được cung ứng thuốc KCB, kể cả thuốc mới, hiệu quả giúp hàng triệu lượt người vượt qua ốm đau và các căn bệnh nan y, hiểm nghèo. Quỹ BHYT đã bảo đảm cân đối và có kết dư. Tất cả những thành tựu này khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với mục tiêu BHYT toàn dân.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo
của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật
về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Việc mở rộng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhất là việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở. Cùng với việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, việc triển khai các phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT mới đã góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong điều hành kinh phí, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí BHYT. Từ năm 2010 - 2012, quỹ BHYT tiếp tục cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đó là còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, chất lượng KCB BHYT ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, chậm khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, chưa đẩy mạnh cải cách thủ tục trong quản lý BHYT và KCB, chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát lạm dụng quỹ BHYT, quyền lợi của người có thẻ BHYT chưa rõ ràng, tinh thần thái độ phục vụ và y đức của cán bộ y tế chậm cải thiện, việc tham gia của các địa phương trong mở rộng BHYT và quản lý quỹ còn hạn chế, một số địa phương còn bội chi quỹ BHYT cũng như công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu...

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đều tán thành với kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đánh giá chính sách BHYT thời gian qua đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Về những tồn tại trong thực hiện chính sách BHYT, các đại biểu chỉ ra các nhóm nguyên nhân chính gồm: thủ tục rườm rà, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa cao, vấn đề y đức của cán bộ y tế... chính là rào cản khiến chính sách này chưa thực sự thu hút được người dân. Trước những tồn tại trong lĩnh vực quản lý như: tỷ lệ kết dư, hoặc bội chi Quỹ bảo hiểm y tế, cấp trùng thẻ BHYT, vấn đề lạm dụng quỹ BHYT..., các đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có giải pháp xử lý kịp thời. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT; bất cập trong đấu thầu thuốc; cơ chế đồng chi trả giữa quỹ BHYT và người bệnh... để tạo niềm tin đối với người dân tham gia BHYT.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam