Theo tinh thần đó, năm 2013, huyện Ninh Sơn tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học -kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ đó, tính đến cuối tháng 10 tình hình kinh tế-xã hội huyện tiếp tục chuyển biến tích cực, dự báo sẽ hoàn thành đạt kế hoạch cả năm.
Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú đạt sản lượng bình quân 9,5 tấn/ ngày,
giải quyết 400 lao động, thu nhập bình quân từ 2,9 triệu – 3,1 triệu/người/tháng,
góp phần phát triển kinh tế địa phương.Ảnh: Thanh Long
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Địa hình của huyện đa số đồi dốc, sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời là chính. Vì thế, trong phát triển kinh tế, địa phương luôn vận động bà con tập trung phát triển các loại cây trồng chính như lúa, bắp, mía đường và khoai mì. Còn trong chăn nuôi chủ yếu phát triển các loại gia súc bò, dê, cừu, heo. Với định hướng này, chỉ tính riêng trong hai vụ đông – xuân và hè – thu, toàn huyện đã gieo trồng được trên 14.370 ha cây trồng các loại, sản lượng lương thực đạt gần 40.000 tấn, trong đó sản lượng lúa đạt gần 30.000 tấn.
Với lợi thế về đồng cỏ tự nhiên, nông dân huyện Ninh Sơn còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại vừa và nhỏ kết hợp lồng ghép giữa trồng cỏ với chăn nuôi vỗ béo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tính đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện có gần 730.000 con, trong đó đàn gia súc có trên 46.100 con (đàn trâu 324 con, đàn bò 14.150 con, đàn heo 14.360 con, đàn cừu 13.560 con, đàn dê 3.780 con) và đàn gia cầm có 683.800 con. Một số mô hình như trồng cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt xen vụ với trồng lúa, nuôi heo địa phương, nuôi heo rừng lai, nuôi gà H’mông, trồng rau an toàn,... cũng được huyện quan tâm triển khai đến tận người dân.
Trong phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và Thương mại – Dịch vụ, tuy là huyện miền núi, nhưng nhờ có chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng sản xuất cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính, nên các thành phần kinh tế đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đến nay đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra, giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương. Đơn cử trong lĩnh vực này có 2 Tổ hợp tác (THT) sản xuất chổi đót ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn. Trước đây bà con trong thôn làm chổi chủ yếu mang tính tự phát theo hộ cá thể, nên sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, nhưng từ khi các hộ dân liên kết lại với nhau thành lập 2 THT, với 48 thành viên tham gia thì sản phẩm làm ra cũng được đa dạng mẫu mã hơn. Đặc biệt, với sự năng động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nên sản phẩm chổi của các THT làm ra không chỉ có tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh bạn như: Lâm Đồng, Bình Thuận..., nhờ đó thu nhập hằng tháng của bà con trong THT cũng được nâng lên rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, người đứng ra thành lập THT làm chổi đót ở thôn Lâm Hòa cho biết: Trung bình mỗi ngày, đối với mặt hàng chổi đót một người làm khoảng 20 cây và chổi dừa khoảng 30 cây. Với giá bán 20.000 đồng/cây chổi đót và 10.000 đồng/cây chổi dừa, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi tháng cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người.
Nhờ tham gia Tổ hợp tác làm chổi đót, nhiều phụ nữ thôn Lâm Hòa (xã Lâm Sơn)
có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Điều đáng lưu ý nữa đó là hiện tỉnh đã chọn xã Quảng Sơn để xây dựng Cụm Công nghiệp với diện tích 65 ha, càng mở ra cho Ninh Sơn một tương lai đầy hứa hẹn. Hiện tại, đã có một số nhà máy như: Gạch tuy nen Quảng Thuận, Nhà máy ván ép Triển Lâm, Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú, Nhà máy mì đã đi vào hoạt động. Ngoài việc góp phần đưa kinh tế Ninh Sơn phát triển, còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Chính nhờ bước tiến này đã góp phần đưa tổng giá trị sản các ngành của huyện từ đầu năm đến nay đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt trên 785 tỷ đồng, tăng 10%; công nghiệp-xây dựng đạt 382,4 tỷ đồng, tăng 8,2% và thương mại- dịch vụ đạt 227,9 tỷ đồng, tăng 18,5%.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, theo đồng chí Nguyễn Long Biên, mục tiêu của huyện đề ra đó là tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nhanh và toàn diện theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, về nông nghiệp, ngoài việc tập trung phát triển diện tích lúa, bắp và dưa hấu bán Tết ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn, Ma Nới, Tân Sơn, huyện còn chú trọng đến việc phát triển các vùng cây nguyên liệu mía, mì, thuốc lá, bông vải ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và Mỹ Sơn với diện tích khoảng 3.500 ha. Về chăn nuôi huyện chú trọng phát triển đàn trâu, bò, dê, cừu theo hướng chất lượng cao. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mai –dịch vụ, huyện tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cụm Công nghiệp Quảng Sơn và quan tâm đến một số dự án do Nhà nước đầu tư như: Dự án các nhà máy thủy điện hạ Sông Pha 1, hạ Sông Pha 2, thượng Sông Ông, dự án đầu tư phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái SaKai – Lâm Sơn... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục có chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề mới. Triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án... Phấn đấu đến cuối năm 2013, sản lượng lương thực đạt 17.659 tấn, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực cả năm ổn định khoảng 57.390 tấn; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 6-7%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-2% và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương.
Văn Thanh