Chú ý bệnh nguy hiểm trên lúa cuối vụ đông- xuân

Hiện nay, trà lúa Đông Xuân tđang phổ biến giai đoạn trổ. Đây là giai đoạn mẫn cảm với một số bệnh hại bông, nếu không phòng trị kịp thời sẽ làm thất thu năng suất nghiêm trọng. Đó là bệnh thối cổ gié (đạo ôn cổ bông) và bệnh lem lép hạt.

Bệnh thối cổ gié do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm tấn công trên cổ bông, đốt thân, gié lúa. Trên cổ bông, triệu chứng đầu tiên là những đốm màu xám xanh sau chuyển dần màu nâu đậm, vết bệnh khô tóp lại, khi gặp gió, bông lúa bị gãy ( khoan cổ). Do cản trở việc vận chuyển dinh dưỡng lên nuôi bông nên đưa đến hạt lép, lững. Nếu bệnh nặng làm bông lúa bị lép hoàn toàn.

Bệnh thối cổ gié

Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thấp, sương mù nhiều. Biện pháp canh tác ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh như sạ dày, bón thừa đạm, ruộng bị khô hạn cũng giúp cho bệnh phát triển dễ dàng. Ngoài ra, gieo trồng giống nhiễm làm bệnh thối cổ gié phát triển nặng và sớm. Phần lớn bào tử nấm được sản sinh và phát tán vào ban đêm, nhiều nhất khoảng nửa đêm, sau đó giảm dần và ngưng khi trời sáng.

* Biện pháp phòng trừ:

- Không sử dụng giống nhiễm

- Mật độ sạ thưa hợp lý (120-150 kg/ha), nếu có điều kiện nên sạ hàng là tốt nhất.

- Tránh bón thừa đạm. Tăng cường bón thêm lân và kali.

- Khi phát hiện lúa nhiễm bệnh phải ngưng bón đạm

- Thăm đồng thường xuyên, khi bệnh mới chớm nên sử dụng các loại thuốc đặc trị như: Flash 75WP, Map Famy 700WP, Beam 75WP,…Tuyệt đối không pha thêm phân bón lá có tỷ lệ đạm cao phun xịt với thuốc.

Đáng quan tâm kế tiếp là bệnh lem lép hạt. Đây là bệnh hại rất phổ biến, hầu như bất cứ ruộng nào, ở bất cứ mùa vụ nào và vùng nào cũng đều bị bệnh lem lép hạt ở mức độ khác nhau. Theo các nhà chuyên môn, thì bệnh do nhiều nguyên nhân như: vi khuẩn, nhện gié, bọ xít hôi chích hút…, nhưng chủ yếu vẫn là do tập đoàn nhiều loại nấm gồm: Altermaria padwickii, Bipolaris oryzae, Curvularia lunata, Mcrodochium oryzae, Phoma sp, Pyricularia oryae, Sarocladium, Ustilagonoidesvirens...Những nấm này không chỉ gây bệnh cho hạt lúa trên đồng ruộng, mà còn tồn tại trên vỏ trấu để tiếp tục gây hại cho hạt lúa sau khi thu hoạch ở giai đoạn hạt lúa còn ẩm chưa kịp phơi khô để đưa vào kho tồn trữ. Bệnh phát sinh, phát triển và gây hại từ khi cây lúa trỗ bông trở đi, thời kỳ dễ nhiễm bệnh nhất là giai đoạn trỗ-ngậm sữa. Nếu nấm bệnh tấn công sớm, lại gặp thời tiết thuận lợi, thì tỷ lệ hạt lép lửng sẽ rất cao, có khi lên đến 50%. Bệnh làm giảm năng suất và chất lượng lúa gạo. Ở những ruộng tỷ lệ hạt lem lép cao, không những tỷ lệ thành gạo thấp, tấm và cám nhiều mà hạt gạo cũng giảm độ trong, bạc bụng, làm giảm chất lượng của cơm. Ngoài ra, bệnh còn là nguồn tồn tại lan truyền nguồn bệnh trên đồng ruộng.

Biện pháp phòng trừ:

Bệnh lem lép hạt

Muốn hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hợp lý:

Bệnh lem lép hạt

- Chọn giống sạch bệnh, tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt.

- Bón phân đầy đủ và cân đối NPK là một biện pháp kỹ thuật quan trọng đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, năng suất cao và ít hạt bị lem lép. Đặc biệt bón phân đạm nhiều và bón muộn thường có ảnh hưởng rõ đến việc làm tăng tỷ lệ hạt lem lép.

- Bệnh lem lép hạt lúa có liên quan đến nhiều yếu tố như thời tiết, phân bón,..nhưng dù với ảnh hưởng của yếu tố nào thì tác nhân trực tiếp vẫn là các loại nấm. Biện pháp xử lý bằng thuốc hóa học vẫn được xem là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng trị bệnh lem lép hạt. Bệnh lem lép hạt chỉ thể hiện từ khi lúa trổ xong, khi hạt lúa đã bị nấm xâm nhập rồi thì dù có phòng trừ cũng muộn. Do đó, đối với bệnh lem lép hạt lúa phải phun thuốc phòng sớm khi lúa bắt đầu trổ và sử dụng các loại thuốc trừ nấm phổ rộng. Một số thuốc có hiệu quả như: Tilt Super 300ND, Map Super 300EC, Bavistin 50FL,Viroval 50BTN;...

Nguồn Sonongnghiep.bentre.gov.vn