Thanh niên Phước Vinh làm giàu trên quê hương

(NTO) Xuất phát điểm bằng nhiều con đường khác nhau, từng nếm trải thất bại, vượt qua khó khăn, cũng như thành công trên con đường lập nghiệp…. Đó chính là điểm chung của những chủ “trang trại trẻ” ở xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước). Những thành quả đạt được hôm nay chính là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần, nghị lực của tuổi trẻ mong muốn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Những ông chủ trẻ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ của Trần Trọng Quốc, thôn Phước An 1, gắn bó với việc phụ giúp cha mẹ chăn đàn bò, đàn cừu để có tiền ăn học. Năm 2007, giá cừu, giá dê giảm, gia đình làm ăn thua lỗ và lâm vào khó khăn. Với tinh thần xung kích, năng động, dám nghĩ, dám làm…anh quyết định tìm hướng đi riêng cho mình để phát triển kinh tế gia đình. Mạnh dạn vay vốn, học hỏi tích lũy kinh nghiệm, gầy dựng từng bước,…đến nay, anh đã có trong tay đàn cừu hơn 100 con, gần 30 con bò, 20 dê, 2 chuồng bồ câu hơn 100 con và 1 ha đất trồng hoa màu, 5 sào vườn trồng táo... Từ kinh tế trang trại, anh thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 3 đến 4 lao động.

Anh Quốc chăm sóc bò đực giống.

Mới 28 tuổi, Trần Quang Dinh, thôn Phước An 2, đã biến khu đất đồi hoang hóa thành đồng cỏ tự nhiên chăn nuôi trên 50 con cừu, 1,5ha đất trồng hoa màu 3 vụ/năm, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng.

Còn Nguyễn Văn Thảo, thôn Liên Sơn 1, là một trong số những thanh niên thuộc thế hệ 8X, điển hình trong việc phát triển kinh tế giỏi của xã nhà. Gia đình khó khăn, con đường học hành sớm khép lại, nhưng bằng ý chí, nghị lực, Thảo đã xin bố mẹ chọn 5 ha đất trống, cằn cỗi của gia đình làm cơ sở để lập nghiệp. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay mỗi vụ anh có thu nhập trên 50 triệu đồng. Hiện tại, anh còn nhận trên 2 ha đất trồng rừng.

Mong muốn liên kết và phát triển

Hiện nay, muốn mở rộng quy mô, trang trại nào cũng cần có vốn, trong khi đó chính sách vay vốn còn nhiều bất cập, thủ tục rườm rà, vốn vay ít,… Điều này đã gây không ít trở ngại trong việc hình thành các trang trại chuyên canh quy mô lớn. Bên cạnh đó, sự trợ giúp về kỹ thuật, giới thiệu các loại cây, con giống mới phù hợp với yêu cầu thị trường, cho năng suất cao, ổn định…cũng hết sức quan trọng. Đó là tâm sự và nguyện vọng của anh Quốc và nhiều “ông chủ nhỏ” ở xã Phước Vinh.

Anh Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Xã đã phối hợp với Huyện đoàn, Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông, Trạm thú y,…tổ chức các lớp tư vấn hướng nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi… , hướng dẫn cụ thể các nguồn vốn để thanh niên vay, tuy nhiên cũng chỉ ở mức giới hạn.

Chị Nguyễn Thị Khánh Hải, Bí thư Đoàn xã Phước Vinh chia sẻ: Với mong muốn liên kết, nhân rộng mô hình cho tất cả thanh niên trong xã nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho thanh niên địa phương, Xã đoàn đang manh nha thành lập Câu lạc bộ trang trại trẻ, liên doanh giữa các trang trại, tạo sức mạnh, sự đồng nhất cho các sản phẩm, tạo mặt bằng giá chung, ổn định, hướng đến hình thành khu sản xuất, chế biến tập trung, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.

Với mong muốn đó, thiết nghĩ cần lắm những chương trình hỗ trợ vay vốn kinh doanh; sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể mà trước hết là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ là động lực để nhân rộng các mô hình kinh tế của thanh niên.