Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

(NTO) Nhân dịp Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Hữu Đức, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy để làm rõ thêm tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua và một số kinh nghiệm, giải pháp trong thời gian đến.

Đồng chí Phan Hữu Đức,
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua và những nội dung chủ yếu của Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết khiếu nại, tố cáo?

- Đồng chí Phan Hữu Đức: Tình hình khiếu nại, tố cáo trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, đa dạng về nội dung, phức tạp về tính chất, trong đó có cả khiếu nại, tố cáo vượt cấp và những hành vi lợi dụng khiếu nại, tố cáo làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nội dung Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị bằng Chương trình hành động số 168-CTr/TU ngày 29-4-2008; tiếp đó ngày 6-1-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 38-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhấn mạnh một số nội dung như: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đảm bảo, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân. Cụ thể là đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những nơi đang có khiếu nại, tố cáo phức tạp, có kế hoạch chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc. Những vụ việc còn phải chờ chủ trương chính sách chung của cấp trên, thì phải trả lời công khai cho dân biết. Đối với người lợi dụng dân chủ trong việc khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục và có hành động gây mất an ninh trật tự, phải nghiêm khắc phê phán, lên án, đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật.

- Phóng viên: Sau 5 năm triển khai thực hiện Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị, đến nay tỉnh ta đã đạt được kết quả như thế nào?

- Đồng chí Phan Hữu Đức: Sau 5 năm triển khai thực hiện Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị, chuyển biến rõ nét nhất là các tổ chức Đảng và đảng viên đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, tỷ lệ giải quyết các khiếu nại, tố cáo đều đạt từ 80% đến 90%; số vụ khiếu nại vượt cấp giảm đáng kể, những vụ việc có tính nóng như các năm trước đây ít xảy ra… Công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên quan tâm đổi mới. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở thực hiện hiệu quả hơn. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hòa giải được 6.788 vụ việc tại cơ sở; trong đó hòa giải thành 4.823 vụ việc, góp phần đáng kể vào giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp ngay tại cộng đồng dân cư, giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở tỉnh ta?

- Đồng chí Phan Hữu Đức: Tuy tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay có lắng dịu hơn, song chuyển biến chưa thật cơ bản. Đặc biệt là những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai dự kiến sẽ còn phức tạp kéo dài, do cơ chế chính sách quản lý nhà nước về đất đai còn trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó nhận thức pháp luật ở một bộ phận nhân dân còn hạn chế; trách nhiệm giải quyết đơn thư của một số ngành, địa phương chưa thật quyết liệt hoặc chưa nhất quán. Những khó khăn bất cập này cần phải được tập trung nghiên cứu, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật nhất là về lĩnh vực đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở và làm tốt việc cán bộ chủ chốt ngành, địa phương định kỳ đối thoại trực tiếp với nhân dân. Phải có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc dây dưa kéo dài. Cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ phải trung thực, khách quan, chính xác, nhất là nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù cho dân. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Kiện toàn các cơ quan chuyên trách tiếp dân, phân công cán bộ tiếp dân có kinh nghiệm am hiểu pháp luật, có uy tín đạo đức, phẩm chất tốt. Cần phải có chính sách biểu dương những người có đơn thư phản ánh đúng, mang tính xây dựng, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải xem công tác này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đảm bảo đúng pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!