Intel và Samsung đẩy xuất khẩu VN tăng vọt, nhưng ít đem lại giá trị kinh tế

Dây chuyền sản xuất chip, điện thoại di động của Samsung và Intel đã đóng góp lớn vào doanh số xuất khẩu của Việt Nam, nhưng giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam của lĩnh vực phần cứng, điện tử thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá trị gia tăng của lĩnh vực phần mềm.

Sách Trắng CNTT-TT năm 2013 vừa được Vụ CNTT - Bộ TT&TT và Nhà xuất bản TT&TT chính thức ra mắt chiều ngày 16/9/2013.

Theo số liệu của Sách Trắng CNTT-TT năm 2013, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng 86,3% so với năm 2011. Mức tăng trưởng cao này tiếp tục có được do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với trên 23 tỷ USD doanh thu, tăng trưởng 103,2% so với năm trước và chiếm tới 90,4 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, nâng doanh thu bình quân lĩnh vực CNTT lên trên 110.000 USD/người/năm. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp tới 96,5% giá trị xuất khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sản xuất lớn tại Việt Nam. Điển hình là các doanh nghiệp như Samsung, Intel, Canon, Panasonic, Foxconn, Nokia... với các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, EU... Giá trị xuất siêu của lĩnh vực này lên tới gần 3,5 tỷ USD (tăng hơn 8 lần so với năm 2011).

Doanh thu công nghiệp phần cứng - điện tử năm 2012 gấp khoảng 19 lần doanh thu của
công nghiệp phần mềm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý giải sự tiếp tục tăng trưởng mạnh của doanh thu công nghiệp phần cứng trong năm 2012, trao đổi với ICTnews, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng nguyên nhân chính do sự đẩy mạnh đầu tư cũng như sự ổn định hoạt động của dây chuyền sản xuất chip, điện thoại di động của hai tập đoàn Samsung và Intel. Chính 2 doanh nghiệp này đã đóng góp lớn vào doanh số xuất khẩu của Việt Nam (xuất khẩu sản phẩm CNTT-TT đạt 22,92 tỷ USD, tăng trên 110,4% so với năm 2011 và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 3,5 triệu USD). Tuy nhiên, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam của lĩnh vực phần cứng, điện tử chỉ đạt khoảng 5 - 10%, thấp hơn nhiều so với giá trị gia tăng của lĩnh vực phần mềm.

“Quan điểm của Bộ TT&TT là tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số. Năm 2012, doanh thu của công nghiệp phần mềm đạt 1,208 tỷ USD, chỉ tăng 3,1% so với năm 2011, còn doanh thu của công nghiệp nội dung số đạt 1,235 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước. Sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả 3 lĩnh vực phần cứng - phần mềm - nội dung số. Nhưng vẫn còn có điểm sáng là doanh thu xuất khẩu phần mềm vẫn đang tiếp đà tăng trưởng”, bà Hương chia sẻ.

“Thời gian qua, Vụ CNTT phối hợp Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ TT&TT đã tích cực làm việc với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính và đã được Quốc hội chấp thuận đưa vào Luật Thuế sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định tiếp tục đưa sản xuất sản phẩm phần mềm vào trong đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp phần mềm tiếp tục được Đảng, Chính phủ cũng như Bộ TT&TT quan tâm bảo vệ và ưu tiên phát triển”, bà Hương chia sẻ thêm.

Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013 được phát hành song ngữ Anh - Việt gồm các nội dung chính: Hiện trạng phát triển ngành CNTT-TT Việt Nam; Những nội dung nổi bật năm 2012; Hệ thống tổ chức về CNTT-TT; Cơ sở hạ tầng CNTT-TT; Thị trường CNTT-TT; Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước; An toàn thông tin; Nguồn nhân lực; Hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; Quy hoạch, chiến lược, chương trình, dự án đề án về CNTT-TT; Hợp tác quốc tế; Các sự kiện CNTT-TT tiêu biểu hàng năm tại Việt Nam; Các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tiêu biểu về CNTT-TT; Các cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam; Các đơn vị chuyên trách CNTT trong cơ quan Nhà nước; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Nguồn ICTnews