Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Phiên họp, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng: Thành phần kinh tế; cơ chế thu hồi đất; mô hình tổ chức chính quyền địa phương và Hội đồng Hiến pháp.

Theo đó, các ý kiến cơ bản tán thành với các nội dung quy định trong Dự thảo, tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo cần quy định khái quát nhất để sau này có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, tiếp tục rà soát tránh trùng lắp một số nội dung...

Liên quan đến quy định về các thành phần kinh tế, đa số ý kiến thống nhất quan điểm, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Tán thành với sự cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Về cơ chế thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, cần xác định rõ các nguyên tắc thu hồi đất, loại đất gì và sử dụng vào mục đích nào? Đồng thời, đề nghị cần có những quy định để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương...

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, do tính chất quan trọng, quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thực hiện khá kỹ trong hơn 2 năm và đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, nhà khoa học, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội.

Mặc dù còn một số ý kiến khác nhau, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục tích cực thảo luận, tiếp thu, tổng hợp ý kiến về những nội dung còn khác nhau tiến tới biểu quyết thống nhất các nội dung; chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Quốc hội thông qua trong Kỳ họp tới theo đúng lịch trình, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, cơ sở khoa học./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam