Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo quy định của Luật Phá sản (sửa đổi), phải bảo đảm đưa ra những cơ hội thực tiễn cho việc duy trì hoặc tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các quy định của Luật Phá sản phải nhằm tối đa hóa việc thu hồi tài sản cho chủ nợ và quy định cách thức đối xử đối công bằng đối với chủ nợ. Mục tiêu của Luật Phá sản là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó, góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội.

Luật Phá sản (sửa đổi) cần bám sát chủ trương thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 của Chính phủ trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm thực hiện bình đẳng quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Luật Phá sản (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật phá sản của Việt Nam, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Luật Phá sản với hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Phá sản (sửa đổi) phải bảo đảm cụ thể hoá và không có sự xung đột giữa các quy định của Luật Phá sản với các quy định của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế; bảo đảm tính khả thi của Luật Phá sản (sửa đổi) với điều kiện, tình hình kinh tế đất nước trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm trình tự và thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản dân chủ, công khai, nhanh gọn, công bằng, thuận lợi; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản; bảo đảm cơ chế phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản theo chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát khỏi tình trạng thua lỗ, phá sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong vòng 3 tháng là không khả thi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 9 năm thực hiện Luật Phá sản, đến nay, nhiều quy định của Luật khó thực hiện nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý chưa nhiều. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng không tiến hành phá sản được. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá năng lực thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự lành mạnh của nền kinh tế.

Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Điều 3 của dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, cho rằng: Hiện nay, ở nước ta có nhiều loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã với quy mô lớn, nhỏ khác nhau nên không thể quy định khoản nợ quá hạn chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Bây giờ có rất nhiều loại hình doanh nghiệp, có doanh nghiệp tiền vốn chỉ có vài chục triệu, vài trăm triệu, có doanh nghiệp hàng ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ. Vậy, căn cứ vào đâu mà nói tổng khoản nợ hơn 200 triệu trong 3 tháng thôi đã là phá sản?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị, các đại biểu cân nhắc lại thật kỹ, nếu có đưa ra điều kiện thì cần cân nhắc điều kiện tổng số nợ không trả được đến hạn phải so với phần trăm vốn đăng ký kinh doanh. Đó là chưa nói đến vốn điều động và và một số vốn khác nữa.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Quy định trong dự thảo Luật chưa sát với thực tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào mất khả năng thanh toán với ngân hàng, thường thì doanh nghiệp đó đang lâm vào tình trạng phá sản. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần quy định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trên cơ sở tính tổng số nợ trên vốn tự có của doanh nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, 6 tháng là 180 ngày cũng không phải là thời gian dài. Nếu cứ theo định nghĩa này thì nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay nằm trong diện phá sản, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam