Đột phá để đưa dệt may thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành dệt may đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đang được xây dựng, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phát triển ngành dệt may trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu này, ngành dệt may cần phát triển theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó, phải chú trọng giảm tỷ lệ gia công và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng.

Tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững

Trong nhiều năm gần đây, dệt may đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đạt kim ngạch xuất khẩu 17,2 tỷ USD trong năm 2012 và dự báo có thể đạt 19 tỷ USD trong năm 2013. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Dệt may Nguyễn Sỹ Phương, do phát triển dựa nhiều vào lợi thế về nguồn nhân lực nên ngành dệt may Việt Nam vẫn mang tính chất gia công, giá trị gia tăng và lợi nhuận của ngành còn thấp.

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.

Một lý do khác khiến ngành dệt may phát triển thiếu bền vững là tình trạng phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu các nguyên vật liệu, phụ liệu (cho cả việc sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và sản xuất sản phẩm cho cả xuất khẩu) vẫn còn khá lớn. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu bông là 675 triệu USD, xơ sợi các loại 871 triệu USD, vải các loại 4,708 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,105 tỷ USD... Đó là chưa kể một số hóa chất, một số loại dầu... Chính điều này đã hạn chế năng lực cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến việc tự chủ của doanh nghiệp.

Hiện nay, hàng dệt may của Việt Nam không những phải lo cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu mà còn bị cạnh tranh trên sân nhà với hàng nhập khẩu. Đại diện Viện Dệt may Việt Nam cho biết, sức cạnh tranh của ngành dệt may còn thấp là do hiệu quả đầu tư chưa cao, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, mẫu mã sản phẩm chuyển biến chưa nhiều.

Bên cạnh đó, do sản xuất và xuất khẩu dệt may chủ yếu khai thác lợi thế về giá nhân công nên tiền lương của người lao động còn thấp, cường độ lao động cao... Thực tế này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp ngành dệt may khó cạnh tranh để tuyển dụng lao động so với các ngành khác.

Nâng cao giá trị gia tăng

Theo dự thảo chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam mà Bộ Công Thương đang soạn thảo, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt từ 31 - 32 tỷ USD, tăng gần gấp đôi với hiện nay và nâng lên từ 60 - 65 tỷ USD vào năm 2030. Bộ Công Thương cho rằng, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương trong thời gian tới sẽ là cơ hội quan trọng để ngành dệt may gia tăng mở rộng thị trường và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành dệt may phải có giải pháp những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao tính cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Hàng dệt may của Việt Nam hiện có mặt ở trên 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ là thị trường đứng đầu về nhập khẩu dệt may của Việt Nam, nhập khẩu tới 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 37,3% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, chiếm trên 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, chiếm 16,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam.

Một trong những điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa đối với một số loại nguyên phụ liệu như xơ bông, sợi, vải, chỉ may, bông tấm, mex, cúc, khóa kéo còn thấp, chưa đủ phục vụ cho sản xuất xuất khẩu. Đơn cử như năng lực sản xuất nguyên liệu xơ bông trong nước mới chỉ đáp ứng 3 - 4% nhu cầu sử dụng. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn và các công ty thành viên đang tăng cường đầu tư một loạt dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Phó Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, khép kín quy trình sản xuất từ sợi dệ t- nhuộm hoàn tất - may đồng thời chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm)".

Ông Phạm Văn Liêm, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) lưu ý, mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn là khâu đột phá, là một trong những nhân tố quyết định sự tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam. Từ nay đến năm 2020 sẽ có nhiều cơ hội phát triển khá tốt, nhưng để nắm bắt được cơ hội cần chuyển từ lượng sang chất, nâng cao khâu tự thiết kế, mẫu mã thời trang...

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN