Các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam

(NTO) Chiều 16-8, các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam do ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn làm Trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu với đoàn về điều kiện tự nhiên, tiềm năng đất đai và truyền thống nghề trồng bông lâu đời của nông dân địa phương.

Các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
 
 
Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cám ơn sự tiếp đón nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh với đoàn và mong muốn của tập đoàn là đến tỉnh tìm hiểu, khảo sát để đầu tư phát triển trồng cây bông vải và đầu tư một số dự án phát triển ngành may. Trong chủ trương tái cơ cấu của ngành Dệt May rất cần nguyên liệu sản xuất vải cao cấp trong nước để thay thế dần vải nhập ngoại. Vì vậy, Tập đoàn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, đưa giống cây bông vải mới vào sản suất đạt năng suất rất cao ở nhiều tỉnh trong nước. Nếu được tỉnh chấp thuận, Tập đoàn sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây bông vải theo mô hình điểm cánh đồng mẫu lớn (khoảng 1.000 ha). Cùng với phát triển vùng nguyên liệu sẽ đầu tư các nhà máy sản xuất và phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận với đề nghị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam về phát triển thí điểm cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây bông vải. Khi triển khai hiệu quả, Tập đoàn có trách nhiệm nhân rộng mô hình sản xuất mới cho nông dân trong tỉnh để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân. Thuận lợi ở tỉnh hiện nay có nhiều vùng đất trống, chủ yếu là đất rừng nghèo cải tạo để trồng cây công nghiệp. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát lại địa điểm, diện tích đất phù hợp để Tập đoàn triển khai các thủ tục đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đồng chí đề nghị, bên cạnh việc khảo sát để đầu tư các dự án mới ở địa phương, Tập đoàn quan tâm tạo hỗ trợ để các các cơ sở dệt may sẵn có ở địa phương tăng thêm năng lực sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao thiện chí đầu tư của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đới với tỉnh Ninh Thuận. Quan điểm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật để Tập đoàn giảm tối đa về thời gian, nhanh chóng triển khai các dự án như tỉnh đã chấp thuận. Mong muốn các nội dung đã được tỉnh thống nhất với Tập đoàn sớm được thực thi để tạo được nhiều việc làm cho người dân, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa tỉnh Ninh Thuận không ngừng phát triển.