Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số

(NTO) Chiều 16-8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay. Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp, làm việc với Đoàn giám sát. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Văn Miên

Triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Theo báo cáo, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có 7.082 lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo các nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, chiếm trên 40% số lao động đã qua đào tạo nghề trong giai đoạn. Trong đó, đã giải quyết việc làm cho 3.999 lao động; 2.619 lao động chuyển sang làm nghề mới được đào tạo; hỗ trợ vốn sản xuất cho 1.379 lao động sau học nghề và 108 người tham gia xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng phát triển các nghề truyền thống của đồng bào thông qua dạy nghề nâng cao, xúc tiến quảng bá du lịch làng nghề…

Tại buổi làm việc, tỉnh ta đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số như tăng cường đầu tư nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập; Hỗ trợ các làng nghề truyền thống mở rộng quy mô sản xuất và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài; Trung ương nên xem xét nâng mức hỗ trợ học viên tham gia lớp đào tạo nghề và có chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng…

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận những kết quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác thực hiện đào tạo nghề ở một số địa phương đoàn đến giám sát. Đồng chí đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; khảo sát cụ thể nhu cầu việc làm, học nghề của lao động địa phương; nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, nhất là mô hình dạy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với đơn vị sử dụng lao động.

► Buổi sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Nghề về tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Nghề, từ năm 2010 đến nay, trường đã mở 19 lớp dạy nghề cho 1.637 lao động nông thôn, trong đó có 318 lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học các nghề như trồng trọt-chăn nuôi, chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp, may dân dụng, kỹ thuật xây dựng... Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề.

Đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với
Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những kết quả của Trường Cao đẳng Nghề trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Thời gian tới, đồng chí đề nghị nhà trường tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng thực hành trong dạy nghề; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong vấn đề khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, tư vấn hướng nghiệp-dạy nghề cho đối tượng thanh niên nông thôn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao cho địa phương.