Quyền truy đuổi của lực lượng kiểm soát hải quan: Có khả thi?

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về Luật Hải quan (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng cao từ 2005 đến nay, dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD, số lượng tờ khai hải quan đạt trên 10 triệu tờ khai, đòi hỏi việc thông quan hàng hóa của ngành Hải quan phải có những thay đổi để đáp ứng; trong khi đó, về cơ bản, các nội dung trong Luật Hải quan hiện hành vẫn quy định thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống từ việc quy định hồ sơ hải quan, khai hải quan đến thông quan.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới một hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả là một nhu cầu tất yếu. Vì vậy, việc ban hành Luật Hải quan (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Hải quan hiện hành, nhằm hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến hải quan điện tử, phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế đối ngoại trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 106 Điều, được bố cục thành 8 Chương.

Quy định chặt chẽ về quản lý rủi ro

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cụ thể về áp dụng quản lý rủi ro. Trong khi đó, quản lý rủi ro được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mang lại hiệu quả quản lý cao và đã trở thành thông lệ quản lý hải quan của nhiều nước theo các chuẩn mực về áp dụng quản lý rủi ro của Công ước Kyoto sửa đổi.

Để khắc phục bất cập nêu trên, tại khoản 20, khoản 21, Điều 4; khoản 2, Điều 16 và Điều 17 Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quản lý rủi ro làm cơ sở để người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện thống nhất. Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung lực lượng phương tiện để kiểm tra, giám sát đối với những địa bàn, doanh nghiệp, những hàng hóa rủi ro cao, giảm lực lượng ở những nơi có rủi ro thấp, phòng chống tình trạng gian lận; góp phần đảm bảo quản lý Nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở phương thức quản lý hải quan hiện đại.

Bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi chỉ rõ: Tại Điều 17, Dự thảo đã quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, nhưng những nội dung quy định chỉ tập trung về điều kiện, phương tiện, nhân lực cho việc quản lý các lĩnh vực có khả năng có nguy cơ rủi ro, vi phạm cao. Theo ông Đào Trọng Thi, nếu chỉ tập trung vào những trường hợp đặc biệt mà bỏ ngỏ những nội dung khác thì vô hình chung sẽ dẫn đến sơ hở, bởi “vi phạm nhỏ mà phổ biến thì rất nguy hiểm”.

Quyền truy đuổi của lực lượng kiểm soát hải quan: Có khả thi?

Trên thực tế, Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cho phép cơ quan hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới di chuyển từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn, nên khi đối tượng chạy ra ngoài địa bàn, cơ quan hải quan phải phối hợp với cơ quan chức năng, nhiều trường hợp dẫn đến mất cơ hội đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái hàng hóa trái phép qua biên giới. Ngoài ra, Luật Hải quan hiện hành chưa quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong khi hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu đang thực hiện theo văn bản dưới Luật.

Để tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, tại Điều 91 Dự thảo Luật quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Điều 92 Dự thảo quy định rõ các biện pháp cụ thể áp dụng khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 91 Dự thảo Luật bổ sung quy định: “Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan hải quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam”.

Trước tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nguy cơ ngày càng gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của các quy định trên. Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có lực lượng hải quan. Song việc quy định cơ chế chủ trì, phối hợp, nhiệm vụ trong công tác này vẫn chưa rõ ràng. Dẫn chứng tại khoản 4, Điều 91 Dự thảo Luật bổ sung quy định kiểm soát, truy đuổi trên biển không khả thi. Trên thực tế, chúng ta không thể làm được.

Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Kros Phước cũng cho rằng, nên quy định hải quan chỉ có quyền điều tra theo dõi, truy đuổi trong địa bàn hoạt động của mình, nếu không sẽ chồng lấn chức năng, nhiệm vụ với cơ quan khác cũng đang trong quá trình điều tra, dẫn đến nguy cơ vụ việc có thể bị phát lộ và không có kết quả. Theo đó, cần làm rõ nhiệm vụ của hải quan đến đâu so với các ngành khác. Cán bộ hải quan chỉ làm nhiệm vụ phát hiện, xử lý những vi phạm thuộc thẩm quyền của hải quan. Công chức hải quan là cấp nào, đang thực hiện nhiệm vụ nào mới được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, chứ không nên chung chung là “theo quy định của pháp luật” vì phạm vi rất rộng.

Một số ý kiến khác cũng tỏ ra chưa rõ về “quyền truy đuổi” của lực lượng hải quan đối với cá nhân vi phạm, nhất là đối với quyền truy đuổi ra ngoài lãnh hải, cho rằng những quy định như trên có ngăn chặn được tình trạng buôn lậu qua biên giới hay không?

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam