Một số kinh nghiệm qua 10 năm đào tạo cán bộ Quân sự ban Chỉ huy Quân sự xã phường, thị trấn

(NTO) Đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS xã (phường, thị trấn) là một trong những công tác quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị của chính quyền cơ sở.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo cán bộ quân sự cấp cơ sở, Đảng uỷ - Bộ CHQS tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên chủ chốt ở các cấp các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về công tác đào tạo cán bộ cơ sở nói chung, đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã nói riêng.

Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
phát biểu tại Hội nghị 10 năm đào tạo cán bộ Quân sự, Ban Chỉ huy quân sự xã,
phường, thị trấn (2002-2012).

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã tại địa phương, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 17-11-2003 về việc đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; UBND tỉnh ra Quyết định số 128/QĐ-UB ngày 5-12-2003 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị có liên quan đã ban hành 24 văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai thực công tác đào tạo. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà trường có liên quan, đặc biệt là Trường Quân sự tỉnh, Trường Chính trị, Trường Cao đẳng Sư phạm, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo…; các địa phương cấp huyện, xã, Ban Tuyển sinh quân sự các cấp quan tâm thực hiện đúng nhiệm vụ, chỉ đạo và thực hiện xét tuyển sinh đào tạo đúng quy trình, chất lượng, đạt chỉ tiêu được giao. Học viên được các cấp chính quyền quan tâm bảo đảm đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách và kinh phí cho các cơ sở đào tạo, quan tâm phát triển Đảng, phong quân hàm sỹ quan dự bị, sau đào tạo được bố trí, sử dụng đúng chuyên ngành theo quy hoạch nguồn cán bộ của địa phương.

Nhằm đảm bảo cho đơn vị đào tạo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, ngoài ngân sách quốc phòng hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Trường Quân sự tỉnh, tập trung vào sửa chửa, xây dựng mới nhà làm việc, nhà ở cho học viên, giảng đường; phòng học chuyên dùng với số tiền gần 5 tỷ đồng. Bố trí ngân sách đào tạo cho 3 khóa Trung cấp Quân sự và 1 khóa hoàn thiện bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quân sự cơ sở với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quan tâm đến củng cố tổ chức biên chế của nhà trường, điều động bổ sung cán bộ, giáo viên có trình dộ chuyên môn và năng lực quản lý đào tạo; thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và cử cán bộ đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn ở các cấp.

Về kết quả đào tạo, đến nay đã tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, đại học quân sự được 9/10 chỉ tiêu. Đào tạo 2 khóa trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, quân số 139 đ/c, tốt nghiệm ra trường đạt tỉ lệ 100%. Nhìn chung, cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã sau đào tạo, được địa phương bố trí theo đúng chức danh, luôn phát huy, vận dụng kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn, thực sự là nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng – an ninh ở địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Qua khảo sát chất lượng có 80% cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hằng năm.

Qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã, với kết quả đạt được và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn trong khu vực phòng thủ của huyện, tỉnh; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ Ban CHQS cấp xã là để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, tạo điều kiện ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở thì mới lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo cán bộ quân sự cấp xã đạt chất lượng hiệu quả, đạt chỉ tiêu được giao.

Hai là, vận hành tốt cơ chế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tuyển sinh quân sự các cấp. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan Thường trực Ban Tuyển sinh (Ban CHQS các cấp), chủ động phối hợp hiệp đồng với các cơ quan liên quan, với từng thành viên trong Ban Tuyển sinh tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo công tác tuyển sinh đào tạo thì chất lượng, hiệu quả mới cao và ngược lại.

Ba là, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có kế hoạch quy hoạch đội ngũ cán bộ Ban CHQS cấp xã có hệ thống, khoa học, có nguồn kế cận trước mắt và lâu dài; quy hoạch gắn với việc cử đi đào tạo, bố trí, sử dụng sau đào tạo thì cán bộ mới yên tâm công tác, có điều kiện phấn đấu vươn lên và gắn bó lâu dài với địa phương cơ sở.

Bốn là, bảo đảm ngân sách, kinh phí, cơ sở vật chất cho Trường Quân sự tỉnh để đào tạo, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ đi học và đầu tư bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên nhà trường ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.