Triều Tiên hối thúc Hàn Quốc về việc tổ chức sự kiện chung và đối thoại về Kêxâng

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin chính phủ nước này ngày 28-5 hối thúc nhà chức trách Hàn Quốc cho phép các tổ chức tư nhân tham gia các hoạt động kỷ niệm 13 năm ngày ký Tuyên bố chung hai miền Triều Tiên, và bắt đầu đối thoại về Khu công nghiệp liền Triều Kêxâng (Kaesong).

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 27-5 đã từ chối đề xuất của Triều Tiên về việc phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm vào ngày 15-6 tới. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc Bình Nhưỡng đề nghị các tổ chức tư nhân can dự vào các vấn đề chỉ cấp chính phủ mới có thẩm quyền giải quyết là nhằm tìm cách gây mâu thuẫn trong nội bộ Hàn Quốc. Bộ này nhấn mạnh: "Nếu thực sự muốn cải thiện quan hệ liên Triều, Bình Nhưỡng cần bắt đầu đối thoại với Chính phủ Hàn Quốc để xây dựng lòng tin".

Đáp lại phản ứng trên của phía Hàn Quốc, KCNA dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên khẳng định: "Nếu nhà chức trách Hàn Quốc lo ngại về mâu thuẫn trong nội bộ người Hàn Quốc, bản thân họ có thể tham gia sự kiện tái thống nhất này. Nhà chức trách Hàn Quốc không cần phải lo ngại về sự an toàn của mình".

Người phát ngôn trên cũng tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về việc mở lại khu công nghiệp chung Kêxâng nếu Xơun cho phép các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu công nghiệp bị ngừng hoạt động từ tháng trước này. Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Để yên tâm, Hàn Quốc có thể cử các thành viên của Ủy ban Vận hành Khu công nghiệp Kêxâng cùng đi với các chủ doanh nghiệp".

Bản Tuyên bố chung hai miền Triều Tiên được ký ngày 15-6-2000 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Hàn Quốc thời kỳ đó là ông Kim Tê Chung (Kim Dae-jung) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In (Kim Jong Il), nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều và trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.

Trong khi đó, Khu công nghiệp Kêxâng được xem là biểu tượng hợp tác duy nhất còn lại giữa hai miền Triều Tiên, hiện cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi được thành lập vào năm 2004. Bình Nhưỡng đã tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp này hồi đầu tháng 4 vừa qua và rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại đây. Ngày 26-4, phía Hàn quốc cũng quyết định rút các nhân viên nước này khỏi Kêxâng sau khi Bình Nhưỡng từ chối đề nghị đàm phán của Xơun.

Theo TTXVN