Giải pháp ổn định sản xuất vụ hè - thu

(NTO) Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), vụ hè-thu năm 2013, dự kiến toàn tỉnh sẽ gieo trồng với tổng diện tích 19.520 ha cây trồng các loại.

Trong đó, cây lúa 10.620 ha; cây bắp 4.276 ha; rau, đậu các loại 4.581 ha. Về lịch thời vụ sẽ được bố trí chia làm hai đợt, gồm: Đợt I bắt đầu từ ngày 5-5 đến ngày 15-5-2013 và đợt II bắt đầu từ ngày 16-5 đến ngày 5-6-2013. Tuy nhiên, do tình hình hạn hán đang ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài làm lượng nước tại các hồ chứa giảm mạnh, nên có khả năng không đủ tưới cho diện tích đề ra.

Nông dân làm đất sản xuất vụ hè-thu 2013. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa giảm xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 44,50/191,88 triệu m3, tương đương 23,19% dung tích thiết kế. Đặc biệt, tại một số hồ lớn như Sông Sắt giảm còn 26,62 triệu m3, Sông Trâu giảm còn 3,07 triệu m3, Tân Giang giảm còn 0,93 triệu m3... Căn cứ vào lượng nước hiện có tại các hồ chứa và nguồn nước xả về hạ du của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, ngành dự kiến sẽ tạm ngưng không sản xuất trong vụ hè-thu khoảng 2.630 ha, giảm số diện tích gieo trồng trong toàn tỉnh xuống còn khoảng 16.942 ha. Theo đó, toàn bộ diện tích của huyện Thuận Nam và 1.090 ha của thị trấn Phước Dân và hai thôn La Chữ, Hậu Sanh (xã Phước Hữu), huyện Ninh Phước (thuộc hệ thống tưới của hồ Tân Giang) không được xuống giống trong vụ hè-thu năm 2013. Đối với toàn bộ diện tích vùng tưới thuộc hệ thống hồ Sông Trâu của huyện Thuận Bắc và 150 ha thuộc hệ thống tưới hồ Thành Sơn do lượng nước còn ít nên khuyến cáo bà con không nên xuống giống để dự trữ lượng nước còn lại cho sinh hoạt và nước cho chăn nuôi.

Để các địa phương triển khai gieo trồng hợp lý, đúng theo kế hoạch và lịch vụ, các huyện, thành phố cần chỉ đạo bà con tuân thủ đúng lịch thời vụ gieo trồng và sử dụng các loại giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, dễ chăm sóc, nhưng có khả năng kháng được hoặc ít bị nhiễm rầy. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con nông dân khi xuống giống lúa cần xuống đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, từng xứ đồng theo cơ cấu và thứ tự ưu tiên như: Đối với huyện Ninh Phước nên sử dụng giống lúa hạt dài IR64, OM4498, VNĐ 95-20, OM 3536, hoặc giống lúa hạt tròn: ML202, TH41, ML15; huyện Ninh Sơn và Bác Ái nên sử dụng giống lúa hạt dài: VNĐ 95-20, OM 3536, OM 2031, OM 4498, OM 4900 hoặc hạt dài ML202, ML15, TH4; huyện Ninh Hải và Thuận Bắc nên sử dụng giống lúa hạt dài: VNĐ 95-20, OM 3536, OM 4498, VND 99-3 hoặc hạt tròn ML 202, TH 41, TH4 và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm nên sử dụng giống lúa hạt dài: VNĐ 95-20, OM 3536, OM 2031, OM 4498 hoặc hạt tròn ML202, TH41, ML15. Ngoài ra, các địa phương nên đưa vào sản xuất thử giống lúa hạt dài mới được đánh giá có năng suất cao, chống chịu được rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá như: Nghi Hương, OM 4495, OM 576, Jasmine 85, ST5, AS 996, Xi 23.

Nông dân xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước chăm sóc cây nho. Ảnh: Thanh Long

Đối với cây bắp, ở vùng miền núi bà con nên dùng các giống bắp lai: SSC586, NK66, NK67, bắp nếp địa phương và vùng đồng bằng nên dùng giống: G49, Cargill 919, Bioseed 96-98, LVN10, VN 8960, NK66, SSC586, SSC557, NK67, đặc biệt là giống bắp NK54, đây là loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn chỉ 95 ngày và có khả năng chịu hạn tốt. Riêng với cây bông vải nên dùng giống kháng sâu như: VN01-2, VN04-4, VN15, bông lai 333. Cây mì nên sử dụng giống KM 94, KM 98 và cây mía nên dùng các giống chủ lực, có năng suất cao, chịu hạn tốt, chữ đường cao như: MY5-14, F156, ROC 16, ROC 23, ROC 25. Còn ở các vùng có điều kiện nước tưới đầy đủ nên ưu tiên sử dụng các giống mía mới đạt hiệu quả cao như: VN 85-1427, dòng lai Mỹ 24 và giống KK2.

Về phương án điều tiết và sử dụng nước, đến ngày 15-6-2013, thời tiết tiếp tục hạn hán thì ngoài việc điều tiết tưới luân phiên (cấp nước theo từng phiên nước) giữa các hệ thống đập phù hợp với lịch gieo trồng để giảm lượng nước bốc hơi mặt ruộng, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi sẽ áp dụng biện pháp tưới luân phiên giữa các hệ thống kênh Nam và Bắc của hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện việc rà soát lại diện tích tạm ngừng sản xuất lúa do thiếu nước để chuyển đổi sang trồng các loại cây màu, trồng cỏ chăn nuôi theo hướng sử dụng ít nước. Phối hợp các đơn vị như: Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố,... tăng cường công tác khuyến nông, cung ứng giống; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác bảo vệ thực vật để hạn chế tình trạng sâu bệnh cây trồng, tránh gây thiệt hại cho bà con.