Vai trò của tộc họ tự quản trong giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương

(NTO) Hoạt động hiệu quả của các mô hình tộc họ tự quản (THTQ) đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 41 THTQ về ANTT, trong đó có 34 tộc họ người Chăm.

Là xã điểm xây dựng chương trình nông thôn mới của tỉnh, Phước Thái (Ninh Phước) đang có những mô hình THTQ hoạt động tích cực, tiêu biểu là tộc họ Đất Đỏ ở thôn Như Bình do ông Hán Tấn Sướng làm tộc trưởng. Tộc họ Đất Đỏ gồm 30 hộ, với 134 nhân khẩu sống bằng nghề nông. Trong mỗi lần sinh hoạt, trưởng tộc họ thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các thành viên. Trong những năm qua, con cháu trong tộc họ không gây xích mích, mâu thuẫn, không vi phạm pháp luật. Nhờ vậy đến nay, có hơn 90% gia đình trong tộc họ đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ông Thành Ngọc Su, thành viên tộc họ chia sẻ: Các thành viên trong tộc họ đều sống hòa thuận với nhau, trách nhiệm trong việc giáo dục con cháu, tạo cho các cháu ý thức không vi phạm pháp luật”.

Ngược lên miền núi Bác Ái, nơi tập trung đông đồng bào Raglai sinh sống, có dịp gặp gỡ với ông Chamaléa Liếp, Tộc trưởng tộc họ Chamaléa ở thôn Ma Dú, xã Phước Thành, mới thấy được sự cần thiết của hoạt động tộc họ. Dù chỉ mới hoạt động 3 năm, nhưng tộc họ Chamaléa ở thôn Ma Dú được xem như là một trong những tộc họ điển hình. Tộc họ Chamaléa gồm 55 hộ, các thành viên trong tộc họ đã thường xuyên răn dạy những thanh niên hay “quậy” trong tộc họ, giúp cho chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình như vụ việc của em Chamaléa Diến, 17 tuổi, là một trong những đối tượng “cá biệt” của tộc họ. Vào tháng 12-2012, Diến cùng với một số bạn thực hiện nhiều vụ trộm cắp để có tiền tiêu xài, gây rối trật tự trong thôn. Thấy vậy, các thành viên trong tộc họ thường xuyên đến nhà vận động cha mẹ, khuyên bảo giáo dục Diến. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay, Diến đã trở thành người tốt, siêng năng làm ăn và là một tấm gương tiến bộ của tộc họ.

Các tộc họ đều có quy chế, phương thức hoạt động của riêng mình. Ban chấp hành tộc họ đã phối hợp với Ban Quản lý thôn, công an xã, Mặt trận thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp luật cho bà con bằng nhiều hình thức trong các cuộc họp của tộc họ, các dịp sinh hoạt lễ hội… Các văn bản pháp luật này được cụ thể hóa cô đọng, dễ hiểu, dễ tiếp thu với các nội dung như: Bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn hóa; ngăn chặn bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Các trường hợp thành viên trong tộc họ vi phạm, trưởng tộc họ sẽ đưa ra kiểm điểm, gia đình đứng ra nhận sai sót của mình trước chính quyền địa phương, bảo lãnh người vi phạm về quản lý giáo dục.

Trong khi tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn nông thôn thì mô hình THTQ trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giữ gìn bình yên thôn xóm.