Ninh sơn công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020:

Xây dựng Ninh Sơn trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phía Tây của tỉnh

(NTO) Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Ninh Sơn đến năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngày 19-12-2012, quan điểm phát triển của địa phương đặt trong tổng thể phát triển của tỉnh, gắn với quan hệ kinh tế liên vùng trên trục hành lang Quốc lộ 27.

Với quan điểm đó, Ninh Sơn đề ra mục tiêu tổng quát là khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm nông, lâm nghiệp phía Tây của tỉnh.

Trung tâm thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm tạo hướng phát triển đến năm 2020, huyện tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông-lâm nghiệp, chế biến nông-lâm sản, năng lượng và du lịch. Trước mắt, huyện chọn khâu đột phá trong phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh sản phẩm gắn với thị trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 8-9%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 21-22%/năm.

Để giá trị sản xuất bình quân 1 ha đạt từ 65-70 triệu đồng/năm vào năm 2015 và 100 triệu đồng vào năm 2020 như trong quy hoạch, biện pháp hữu hiệu nhất mà địa phương đưa ra là đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, công nghệ mới, thâm canh tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh như mía, thuốc lá, mì, điều, cao su, cây ăn quả đặc sản. Nâng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua cải tạo giống, nâng chất lượng đàn, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, bán công nghiệp, gắn với đầu tư của doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình.

Công nhân Nhà máy thủy điện Sông Ông vận hành hệ thống tua-bin. Ảnh: Nguyễn Trung

Ninh Sơn là địa phương có diện tích cây mía, mì lớn nhất tỉnh, khoảng trên 5.000 ha. Huyện xác định đây là hai loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành được vùng trọng điểm trồng mía, mì ở xã Quảng Sơn và xã Hòa Sơn, với diện tích trên 3.000 ha. Thời gian qua, địa phương đã đầu tư xây dựng 2 tuyến đường bê-tông vào vùng mía, mì ở khu vực Suối Mây, đảm bảo xe cơ giới vào được tận nơi, giảm chi phí trong khâu thu hoạch. Huyện cũng đã tranh thủ nguồn vốn các chương trình dự án hỗ trợ nông dân đưa vào sản xuất các loại giống mới có năng suất cao. Theo kế hoạch, thời gian tới huyện tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ở những khu vực trên để nâng tỷ lệ diện tích đất được tưới 20% hiện nay lên cao hơn; đồng thời mở rộng thêm khoảng 1.000 ha đất trồng mía ở xã Mỹ Sơn, tiếp tục đầu tư phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn.

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, du lịch-dịch vụ, quy hoạch còn chú trọng phát triển công nghiệp, tập trung vào 3 nhóm có tiềm năng lợi thế gồm thủy điện, năng lượng tái tạo, chế biến nông-lâm sản, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng. Điểm nhấn trong phát triển công nghiệp là phát huy các lợi thế đặc thù từ địa hình để xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Hiện trên địa bàn đang tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Thượng sông Ông, Hạ sông Pha 1, Hạ sông Pha 2, với quy mô 15,3 kW, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Giai đoạn 2016-2020, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nâng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Xúc tiến đầu tư Dự án điện gió tại Quảng Sơn, Tân Sơn, Mỹ Sơn với quy mô công suất khoảng 200 MW.

Với đặc thù của một huyện miền núi, Ninh Sơn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tuy nhiên hiện vẫn đang ở dạng tiềm năng. Để đánh thức “ngành công nghiệp không khói”, quy hoạch hướng tới hình thành các điểm du lịch có chất lượng cao, từ nay đến năm 2015, huyện tập trung đầu tư xây dựng thác Sa-kai trở thành Khu du lịch sinh thái: Rừng-đèo-thác, Khu du lịch nghỉ dưỡng Sông Ông-Suối Thương, du lịch nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái tại xã Lâm Sơn, nâng cấp mở rộng Khu du lịch Suối khoáng nóng Krông-pha. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư điểm dừng chân đèo Ngoạn Mục, Khu du lịch thác Tiên, du lịch sinh thái khu vực Ma Nới và các cảnh quan lưu vực sông Than, hồ thủy lợi Tân Mỹ.

Có thể nói, quy hoạch đã mở ra con đường mới để huyện Ninh Sơn hướng đến phát triển toàn diện. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện đúng theo lộ trình để đi đến đích. Theo đồng chí Nguyễn Long Biên, giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch là tiến hành xây dựng, ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, khai thác tốt, có hiệu quả các nguồn vốn phát triển. Địa phương tập trung các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tìm ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp, từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Coi khoa học-công nghệ là mũi nhọn hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu triển khai ứng dụng.

Các mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020

Về kinh tế:

- Tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành giai đoạn 2011- 2015 đạt 13-14%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 21-22%/năm; trong đó, giai đoạn đầu nông, lâm, thủy sản tăng 8 - 9%; công nghiệp - xây dựng tăng 16 -17%; dịch vụ tăng 15 - 16%; giai đoạn tiếp theo tương ứng tăng 21-22%; 27-28%; và 17-18%.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp-TTCN, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản. Năm 2015 tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 50%; ngành công nghiệp-TTCN chiếm 23%; ngành dịch vụ chiếm 27%; năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng đạt 41%; 32% và 27%.

- Đến năm 2015, thu nhập bình quân/người/năm đạt 18,3 triệu đồng, bằng khoảng 65% mức bình quân của tỉnh và đến năm 2020 đạt 56 triệu đồng, bằng mức bình quân của tỉnh.

-Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 81 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%/năm và đến năm 2020 đạt 328 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt trên 2.530 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 đạt 6.620 tỷ đồng.

Về xã hội:

- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011-2015 còn 1,2%/năm; giai đoạn 2016-2020 còn 1,15%; đến năm 2015 quy mô dân số khoảng 76.470 người và năm 2020 khoảng 81.070 người.

- Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015, giảm bình quân 2% /năm, giai đoạn 2016-2020, giảm 1%/năm.

- Đến năm 2015 tỷ lệ xã chuẩn quốc gia về y tế đạt 90%, đạt tỷ lệ 5 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh/dân số đạt 24 người bệnh/10.000 dân. Năm 2020 đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh/dân số 24,7 giường/ 10.000 dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2015 giảm xuống còn dưới 19% và năm 2020 giảm xuống còn dưới 15%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 40-45% và năm 2020 đạt 55-60%; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ là 60% - 19% - 21% và năm 2020 tương ứng là 49% - 24% - 27%.

- Đến năm 2015 có trên 41% số trường đạt chuẩn quốc gia và năm 2020 đạt 60%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường năm 2015 đạt 97%; trong đó tỷ lệ học sinh độ tuổi lớp 1 đến trường đạt 98% và năm 2020 các chỉ tiêu trên đạt trên 99%, 100%. Số thôn, khu phố được công nhận tiêu chuẩn văn hóa năm 2015 đạt trên 70% và năm 2020 đạt 100%.

Về môi trường:

- Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%, số hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 65%, rác thải sinh hoạt thu gom, xử lý tập trung đạt 80%, quản lý và sử dụng chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế đạt 100%; đến năm 2020 các chỉ tiêu tương ứng đạt 100%, 85%, 100% và 100% n

Đồng chí Đặng Hữu Thanh
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn:

Việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Ninh Sơn rất có ý nghĩa, tạo cơ sở để xây dựng thị trấn trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2006-2020. Hiện nay, thị trấn đang huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển đạt tốc độ cao. Trước mắt, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, mở rộng phát triển các khu dân cư, xây dựng chợ Tân Sơn, trung tâm thương mại, siêu thị... Để đạt được mục tiêu xây dựng thị trấn thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là đầu tàu kinh tế của huyện, thị trấn đang tập trung chỉ đạo hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thị trấn phù hợp với quy hoạch tổng thể của huyện, xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch hợp lý.
Ông Trần Văn Thân, Chủ tịch
Hội Cựu chiến binh huyện Ninh Sơn:

Tôi nguyên là chiến sĩ Quân đoàn II tham gia giải phóng Ninh Thuận, rồi ở lại sống và làm việc trên quê hương Ninh Sơn anh hùng. Có một thời gian dài tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực, tôi thấy hiện nay Ninh Sơn thay đổi rất nhiều so với trước đây. Nổi lên là hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhờ đó mà nông nghiệp phát triển, hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tôi tin rằng, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội dựa vào tiềm năng, lợi thế của một huyện miền núi sẽ tạo đà cho Ninh Sơn bứt phá vươn lên.
Anh Nguyễn Hồng
thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn

Tôi là một trong số những nông dân trồng mía có quy mô lớn ở địa phương. Qua thực tế sản xuất, tôi nhận thấy mía là loại cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân. Chúng tôi rất vui mừng khi biết Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện có đề cập đến ưu tiên phát triển các loại cây trồng có thế mạnh như mía, mì... Bà con nông dân hy vọng sau công bố quy hoạch, huyện sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đưa nước về tưới cho những khu vực trồng mía, mì; đồng thời, giúp nông dân tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.