Vấn đề hôm nay:

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm - Bao giờ?

(NTO) Những năm qua, cùng với các chính sách thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, thì vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được tỉnh ta thường xuyên quan tâm và chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương… thực hiện nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.

 
Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm an toàn tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, theo nhận xét chung thì mức độ chuyển biến chưa như mong muốn nhất là ở khâu sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo báo cáo của ngành Y tế, 3 tháng đầu năm nay, qua thanh tra, kiểm tra trên 2.440 cơ sở trong tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn còn đến 636 cơ sở không đạt theo các tiêu chuẩn. Một trong những loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày của người dân đó là rau xanh, củ, quả... theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người sản xuất chưa chú ý đến khâu an toàn cho sản phẩm khi cung cấp cho thị trường. Cụ thể là còn sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu… để phun cho cây trồng thường xuyên, đồng thời thu hoạch sớm hơn nhiều lần so với khuyến cáo về thời gian cách ly (ít nhất là 15 ngày) của nhà sản xuất thuốc. Thậm chí còn có hộ phun thuốc từ 1 đến 2 ngày là thu hoạch để bán mà không biết rằng vô tình đã đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm độc hại. Trong chăn nuôi cũng không khác gì hơn. Tình trạng sử dụng thuốc tăng trọng, chất kích thích, tạo nạc… cho heo, gia cầm trở thành “chuyện thường ngày” của người chăn nuôi. Đặc biệt gần đây, tại xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã phát dịch tai xanh trên đàn heo, nếu không quản lý tốt, kiểm định chặt chẽ thì khó tránh khỏi người chăn nuôi “bán chạy bệnh” tại các chợ nông thôn, các cơ sở chế biến nhất là chả lụa, nem, các tiệm cơm, hàng phở bình dân… do giá rẻ. Đây cũng là hiểm họa tiềm ẩn nếu người tiêu dùng “vô tình” tiêu thụ.

Để là “người tiêu dùng thông thái” quả không dễ dàng gì khi ý thức từ người sản xuất đến chế biến, tiêu thụ chỉ đặt nặng về lợi ích riêng nên vô hình trung đã làm tổn hại đến sức khỏe của không ít người tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên ngoài sự yếu kém về nhận thức còn phải kể đến hạn chế trong kiểm tra, giám sát và cả hạn chế tác dụng của chế tài đối với sai phạm trong an toàn thực phẩm. Do vậy, trong tháng cao điểm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (15-4 đến 15-5) yêu cầu đặt ra là ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm như nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào, vệ sinh cơ sở sản xuất… Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất thực phẩm theo hướng an toàn, sạch; người kinh doanh, người sử dụng kiên quyết tẩy chay không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng “chợ an toàn” ở các địa phương…