Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo

(NTO) Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo là tiêu đề của Hợp phần 2, một trong ba hợp phần của Dự án hỗ trợ Tam nông ở tỉnh ta. Hợp phần 2 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện, gồm các nội dung chính như: Xác định và phân loại ưu tiên hóa chuỗi giá trị vì người nghèo; các dịch vụ khuyến nông và nghiên cứu kỹ thuật nhằm phát triển chuỗi giá trị, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo; tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn.

Năm 2012, thực hiện Hợp phần 2, Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh đã hoàn thành tài liệu phân tích, đánh giá 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) và đã tổ chức hội nghị thông qua kế hoạch hành động nâng cấp các chuỗi giá trị cho các bên tham gia dự án để triển khai thực hiện tại các thôn, xã vùng dự án. Các đơn vị thực thi như Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã triển khai các hoạt động tập huấn cho thú y thôn bản về khám và trị bệnh vật nuôi, kiến thức vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; tập huấn các kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; về thị trường và cung cấp thông tin thị trường gắn với các chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh.

Nông dân xã Phước Vinh trồng táo theo hướng VietGAP bảo đảm an toàn nông sản hàng hóa
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài ra các đơn vị còn tập huấn cho nông dân chủ chốt về kỹ thuật trồng táo, nho, tỏi theo hướng VietGAP gắn với thương mại và marketing; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước để quảng bá các sản phẩm và tìm thị trường đầu ra cho các chuỗi giá trị; kể cả tập huấn về tuyên truyền thông tin khuyến nông…Đặc biệt, Ban Điều phối Dự án tỉnh còn tổ chức 85 lớp học hiện trường về các kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây, con tại các thôn của 27 xã vùng dự án cho 2.898 hộ, bao gồm 1.391 hộ nghèo và cận nghèo, 1.507 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1.012 đối tượng là phụ nữ tham gia.

Trong chiến lược chính năm 2013, Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh tập trung xây dựng năng lực và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xem xét, đánh giá công tác đào tạo nghiệp vụ khuyến nông, dịch vụ cung cấp cây con giống, dịch vụ thú y, thu mua sản phẩm, dịch vụ chế biến… Nhưng đáng chú ý hơn là hoạt động tập trung giảm nghèo thông qua việc xúc tiến và hỗ trợ môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó tập trung xây dựng và thực hiện chuỗi giá trị các sản phẩm phù hợp cho từng huyện, xã; tiếp tục phân tích đánh giá nâng cấp chuỗi giá trị con heo đen, cây chuối cho các xã thuộc các huyện miền núi; đặc biệt chú trọng sự tham gia của người nghèo trong chuỗi giá trị thông qua việc phát triển các nhóm cùng sở thích.

Từ chiến lược năm 2013, để thực hiện hợp phần 2 của Dự án, giải pháp chính được đề ra bao gồm: Lựa chọn và phân tích bổ sung các chuỗi giá trị phù hợp với người nghèo ở mỗi huyện, xã dự án; đồng thời xây dựng các kế hoạch hành động cho các chuỗi giá trị đã được lựa chọn và các chuỗi giá trị bổ sung để phù hợp cho từng địa phương. Ban Điều phối Dự án tỉnh xác định các công ty chủ chốt cho mỗi chuỗi giá trị và hỗ trợ các công ty này xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh với các nhóm chung lợi ích, tổ hợp tác trong vùng dự án; thể chế hóa kế hoạch hành động và cung cấp cho các huyện, xã dự án các thông tin về cơ hội thị trường từ kế hoạch hành động phát triển các chuỗi giá trị để đưa vào xây dựng MOP-SEDP (Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng) và định hướng sử dụng CDF (Quỹ phát triển cộng đồng). Giải pháp cũng nhấn mạnh phải huy động năng lực của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã và các công ty tư nhân trong việc phát triển các nhóm tín dụng-tiết kiệm vay vốn phụ nữ, các nhóm đồng sở thích/tổ hợp tác (CIG/CG). Đặc biệt là tập huấn tiểu giáo viên (TOT) cho cán bộ tín dụng của Hội Phụ nữ trong việc thành lập và vận hành các chương trình tài chính vi mô, xây dựng một lộ trình với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết nhằm đưa Hội Phụ nữ tỉnh trở thành một tổ chức tài chính vi mô chuyên nghiệp trong tương lai.

Tính trong 3 tháng đầu năm, Hợp phần 2 đã triển khai tổng số 18 hoạt động chính. Hiện nay, các đơn vị đồng thực thi Hợp phần 2 đang xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết để thực hiện chuyển vốn các hoạt động đã được giao và tham gia các lớp tập huấn do Ban Điều phối Dự án tỉnh tổ chức. Theo kế hoạch trong quý 2, Dự án hỗ trợ Tam nông sẽ tiến hành nâng cấp 3 chuỗi giá trị táo, bò, heo đen và khảo sát bổ sung các chuỗi giá trị phù hợp với các xã thuộc 3 huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc. Hướng dẫn triển khai các mô hình cây, con phù hợp với người nghèo tại các xã dự án; xem xét, đánh giá công tác đào tạo nghiệp vụ khuyến nông, dịch vụ cung cấp cây con giống, dịch vụ thú y, thu mua sản phẩm và dịch vụ chế biến.