Dự án hỗ trợ Tam nông với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống nông thôn

(NTO) Dự án hỗ trợ Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) có tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ta là 17,591 triệu USD (tương đương 334 tỷ đồng), trong đó vốn Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ 12,786 triệu USD (tương đương 243 tỷ đồng), vốn đối ứng ngân sách tỉnh 3,285 triệu USD (tương đương 62 tỷ đồng) và vốn đóng góp của người hưởng lợi là 1,520 triệu USD (tương đương 29 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án ở tỉnh ta trong 5 năm, bắt đầu chính thức từ tháng 5 năm 2011.

Anh Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Ban Điều phối Dự án cho biết: Mục tiêu tổng thể của dự án là cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn, đặc biệt chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo tại tất cả các huyện của tỉnh nhà. Vùng dự án được triển khai tại 27 xã trên địa bàn 6 huyện của tỉnh, với tổng số 38.693 hộ, trong đó có 11.969 hộ nghèo, 4.548 hộ cận nghèo.

Nhiều nông hộ xã Phước Hậu (Ninh Phước) đầu tư trồng táo, để nâng cao thu nhập.
Ảnh: Duy Anh

Các hoạt động của dự án sẽ tập trung vào nhóm đối tượng bao gồm hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, theo dự kiến sẽ có 80% hộ nghèo và 90% hộ dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án. Về tổng quan, dự án có 3 hợp phần gồm: Hợp phần 1 “Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện Nghị quyết Tam Nông” (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện), Hợp phần 2 “Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo” (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện), Hợp phần 3 “Xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường” (do UBND huyện và UBND xã chủ trì thực hiện). Các Hợp phần 1 và 2 đều có 4 tiểu hợp phần, riêng Hợp phần 3 có 3 tiểu hợp phần. Theo chúng tôi, đáng chú ý nhất là Hợp phần 2 có các nội dung chính như: Xác định và phân loại ưu tiên hóa chuỗi giá trị vì người nghèo; các dịch vụ khuyến nông và nghiên cứu kỹ thuật nhằm phát triển chuỗi giá trị; thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo; tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn.

Trong năm đầu hoạt động, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và khởi động dự án. Riêng năm 2012, Dự án bắt tay vào triển khai công tác xây dựng năng lực cho cán bộ các đơn vị thực thi dự án ở các cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị thực hiện các hoạt động Dự án cho những năm tiếp theo. Mặc dù tiến độ triển khai có chậm so với kế hoạch tổng thể nhưng nhìn chung dự án đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo đà cho dự án tăng tốc về số lượng và chất lượng các hoạt động trong năm 2013. Cụ thể ở Hợp phần 1, đã tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đối thoại doanh nghiệp; hoàn thành biên soạn tài liệu và triển khai tập huấn Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã có sự tham gia theo định hướng thị trường cho Tổ chuyên đề lập kế hoạch cấp tỉnh, huyện và các tổ công tác lập kế hoạch cấp xã; tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm về cải thiện môi trường kinh doanh ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Hợp phần 2 đã hoàn thành tài liệu phân tích, đánh giá 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) và đã tổ chức Hội nghị thông qua kế hoạch hành động nâng cấp các chuỗi giá trị cho các bên tham gia dự án để triển khai thực hiện tại các thôn, xã vùng dự án; các đơn vị thực thi đã triển khai các hoạt động tập huấn về thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, quảng bá các sản phẩm và tìm thị trường đầu ra cho các chuỗi giá trị; tổ chức 85 lớp học hiện trường về các kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây, con tại các thôn vùng dự án cho 2.898 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng là phụ nữ. Ở Hợp phần 3, đến nay 27 xã vùng dự án đã triển khai và cơ bản đã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã có sự tham gia theo định hướng thị trường.

Năm 2013 là năm thứ 3 của dự án, được xem là năm then chốt để đạt được các mục tiêu chung với chiến lược trọng tâm đẩy nhanh tiến độ, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của Dự án. Trong 3 tháng đầu năm nay, do kế hoạch công tác và ngân sách năm 2013 có sự điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với tình hình thực hiện của dự án, nên các hoạt động chủ yếu là thực hiện kiện toàn bộ máy dự án các cấp, điều chỉnh bổ sung các sổ tay của dự án, tổ chức các lớp tập huấn và các hoạt động phối hợp, xây dựng phương hướng để chuẩn bị thực hiện các bước tiếp theo. Mục tiêu cụ thể các bước là hỗ trợ các hoạt động đầu tư nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân tộc thiểu số, người nghèo và bổ sung cho các hoạt động được đề ra trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta.