Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh Ninh Thuận

(NTO) Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh Ninh Thuận được UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 14-2-2011, có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Dự án tỉnh điều phối, tổ chức và triển khai thực hiện Dự án theo đúng nội dung quy định của Hiệp định, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và Quy chế quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hiện hành của Chính phủ.

Dự án hỗ trợ Tam nông tại tỉnh Ninh Thuận do IFAD tài trợ, theo thỏa thuận giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế. Theo Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 4-4-2011 của UBND tỉnh, Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh có tổng vốn đầu tư 17,591 triệu USD (tương đương 334 tỷ đồng), trong đó vốn Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ 12,786 triệu USD (tương đương 243 tỷ đồng), vốn đối ứng ngân sách tỉnh 3,285 triệu USD (tương đương 62 tỷ đồng), vốn đóng góp của người hưởng lợi 1,520 triệu USD (tương đương 29 tỷ đồng), thời gian thực hiện trong 5 năm (từ 2011 đến 2016). Dự án khởi động từ ngày 28-4-2011 và sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2016.

Một góc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Miên

Cơ quan chủ quản Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh là UBND tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị điều phối gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 6 huyện và 27 xã dự án. Các đơn vị đồng thực thi Dự án cấp tỉnh gồm: Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Dự án gồm 3 hợp phần chính là:

- Hợp phần 1 (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện) nhằm tăng cường năng lực thể chế để thực hiện chiến lược Tam Nông, gồm có các nội dung chính: Quản lý kinh tế theo định hướng thị trường; thể chế hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia, dựa trên kết quả, theo định hướng thị trường; phát triển và hợp tác với khu vực tư trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường hợp tác giữa các bên tham gia nhằm thực hiện chiến lược tam nông.

Niềm vui được mùa của nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên

- Hợp phần 2 (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện) nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị vì người nghèo, gồm có các nội dung chính: Xác định và phân loại ưu tiên hóa chuỗi giá trị vì người nghèo; các dịch vụ khuyến nông và nghiên cứu kỹ thuật nhằm phát triển chuỗi giá trị; thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo; tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn.

- Hợp phần 3 (do UBND huyện và UBND xã chủ trì thực hiện) để lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội định hướng thị trường cấp xã (MOP SEDP), gồm có các nội dung chính: Xây dựng năng lực lập kế hoạch cho MOP SEDP; thu hút người nghèo tham gia vào chuỗi giá trị; lập Quỹ Phát triển cộng đồng.

Nông dân xã Nhơn Hải đóng gói sản phẩm hành - tỏi. Ảnh: Thanh Long

Ngoài cơ cấu tổ chức, nhân sự của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (hiện có 14 cán bộ, nhân viên), để hỗ trợ cho UBND các huyện và các đơn vị chủ trì, Dự án đã thành lập thêm các Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp 6 huyện và Ban Phát triển 27 xã.

Vùng dự án được triển khai tại 27 xã trên địa bàn 6 huyện của tỉnh ta với tổng số 38.693 hộ, trong đó có 11.969 hộ nghèo, 4.548 hộ cận nghèo, bao gồm: 5.423 hộ dân tại Bác Ái (có 3.618 hộ nghèo, 570 hộ cận nghèo), 11.989 hộ dân tại Ninh Sơn (có 4.231 hộ nghèo, 1.242 hộ cận nghèo), 6.542 hộ dân ở Ninh Hải (có 799 hộ nghèo, 771 hộ cận nghèo), 7.639 hộ dân ở Ninh Phước (có 1.158 hộ nghèo, 754 hộ cận nghèo), 5.457 hộ dân thuộc Thuận Bắc (có 1.702 hộ nghèo, 944 hộ cận nghèo) và 1.643 hộ dân thuộc Thuận Nam (có 461 hộ nghèo, 267 hộ cận nghèo).

Cụ thể 27 xã (với tổng số 143 thôn) vùng dự án gồm có: 9/9 xã của huyện Bác Ái; các xã Hoà Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn, Lương Sơn, Quảng Sơn, Lâm Sơn của huyện Ninh Sơn; các xã Tân Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải của huyện Ninh Hải; các xã An Hải, Phước Vinh, Phước Thái của huyện Ninh Phước; các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Lợi Hải của huyện Thuận Bắc và các xã Nhị Hà, Phước Hà của huyện Thuận Nam.