"Đưa hàng Việt về nông thôn" - cần đảm bảo tính bền vững

(NTO) Năm qua, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện tổ chức đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nông thôn đối với hàng Việt. Đồng thời, những phiên chợ này cũng góp phần cho việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh ta đi vào chiều sâu.

Thành công từ mỗi phiên chợ

Năm 2012, Trung tâm KC&XTTM đã phối hợp với các huyện và các doanh nghiệp tổ chức thành công 5 phiên chợ bán hàng trực tiếp tại các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái. Qua mỗi phiên chợ đã có trên 10 doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 50.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Doanh thu của mỗi phiên chợ đạt trên 200 triệu đồng. Đây chính là điểm nhấn trong việc xây dựng cầu nối đưa hàng hóa sản xuất trong nước đến tay người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Việc đưa hàng Việt về nông thôn trước tình hình hàng giả, hàng lậu đang xâm nhập chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi là rất cần thiết.

Nhân dân xã Phước Đại, huyện Bác Ái chọn mua sản phẩm
tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tổ chức tại huyện. Ảnh: Văn Miên

Mỗi phiên chợ với quy mô khoảng 20 – 30 gian hàng bày bán các sản phẩm hàng tiêu dùng và gia dụng; điện, điện tử; hàng hóa mỹ phẩm; hàng may mặc… được sản xuất trong nước. Các phiên chợ này đã đạt mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các sản phẩm trong nước với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, góp phần bình ổn thị trường. Qua các phiên chợ được tổ chức ở các xã vùng nông thôn, miền núi, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người dân địa phương, từ đó có phương án điều chỉnh sản xuất những mặt hàng và tổ chức kênh phân phối phù hợp với thị trường nông thôn. Từ đó, tạo tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hoạt động đẩy mạnh phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại tỉnh ta trong năm qua là những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thiết thực giúp bà con tiếp cận với hàng Việt. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong năm nay tại 6 huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, dự kiến thời gian tổ chức bắt đầu từ trung tuần tháng 4 này.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại phiên chợ Hàng Việt
về nông thôn ở huyện Ninh Phước.

Để hàng Việt gần hơn với người dân nông thôn

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, song chương trình nói trên, tại tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế và thiếu tính bền vững. Điều dễ nhận thấy là mặc dù chương trình được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và người tiêu dùng các địa phương hưởng ứng tích cực, song trên thực tế, doanh nghiệp tham gia chương trình này cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức bán hàng tại các trung tâm huyện, thị trấn, cụm xã mà chưa thể phục vụ bà con ở những xã, khu dân cư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Khi tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ e ngại vì  sức mua thấp, xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao.... Bên cạnh đó, dân cư sống không tập trung, do vậy việc tìm địa điểm thuận lợi để bán hàng gặp khó khăn. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, thu nhập bình quân của người dân còn thấp nên việc mua bán chủ yếu vẫn diễn ra tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Phải thẳng thắn nhìn nhận là chợ nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa hiện nay là mảnh đất "màu mỡ" cho tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả… Việc sử dụng những sản phẩm kém chất lượng trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng, nhất là những sản phẩm giá rẻ và có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Thiết nghĩ, việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, không những nâng cao ý thức tự hào dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội ngay tại chính địa phương đó mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Vì vậy, để chương trình hiệu quả hơn, để hàng Việt gần hơn với người dân nông thôn và đảm bảo tính bền vững, rất cần sự phối hợp của các ban ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh để có giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng hệ thống phân phối thông qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc lựa chọn sản phẩm với mẫu mã đa dạng, hạ giá thành sản phẩm theo thị hiếu của từng vùng và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nông thôn, miền núi để có thể làm chủ được thị trường nông thôn sau mỗi phiên chợ.