Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, ba tổ chức tiền thân: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản liên toàn đã được tập hợp thành một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng bên cạnh chỉ rõ mục tiêu, phương hướng của cách mạng Việt Nam:“Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tới xã hội cộng sản” (1)… khẳng định: “Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng là cần phải có một Đảng cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong đấu tranh mà trưởng thành” (2). Với đường lối đúng đắn ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam- Đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến - hai nhiệm vụ không thể tách rời nhau và có mối quan hệ khăng khít với nhau. Song, trong hai nhiệm vụ đó, Đảng ta xác định: nhiệm vụ chống đế quốc là chủ yếu nhất, nhiệm vụ chống phong kiến phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc và phải thực hiện từng bước với những khẩu hiệu cụ thể như: Giảm tô, giảm thuế, chia ruộng đất công, chia ruộng đất của bọn phản động cho người dân nghèo... Vì vậy, một chính đảng mới tròn 15 tuổi, có khoảng 5000 đảng viên, với bản lĩnh, năng lực và uy tín đã thống nhất ý chí và nguyện vọng của các đảng phái đang tồn tại ở Việt Nam lúc bây giờ: Đảng Cách mệnh An Nam, Việt Nam Quốc dân Cách mệnh Đảng, Đảng Quốc gia Cách mệnh An Nam, Phục quốc Hội, Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội, Đảng Đại Việt Quốc xã, Đảng Hưng Việt, Đảng Đại Việt, Việt Cách… vào một mặt trận chung - Mặt trận Việt Minh - một tổ chức liên minh chính trị, vũ trang do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhằm “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (3). Đồng thời, Đảng khai thác mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, chủ động đập tan ách thống trị “một cổ hai tròng” của thực dân, phong kiến, giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do.

Vừa mới ra đời, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị các nước đế quốc, các thế lực phản động cấu kết với nhau chống phá quyết liệt, hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta đứng trước bối cảnh vừa có thuận lợi cơ bản, vừa gặp phải nhiều khó khăn to lớn, hiểm nghèo. Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm là những hiểm họa đối với chế độ mới, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, Tổ quốc lâm nguy! Với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa khôn khéo đối phó với âm mưu, thủ đoạn của giặc nội, ngoại xâm, bảo vệ vững chắc và xây dựng chính quyền cách mạng trên nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trước sức ép và sự chống phá điên cuồng, hòng bóp chết chính quyền cách mạng còn trong “trứng nước” của các đảng phái, các thế lực thù địch, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” và tổ chức ra Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Việc làm này thực chất là Đảng đi vào hoạt động bí mật để bảo vệ Đảng và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Mục đích của Hội tiếp tục tuyên truyền công khai chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và giữ mối quan hệ giữa Đảng với quân chúng. Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội là báo “Sự thật”. Hội có tổ chức ở Trung ương, các địa phương và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình cách mạng cũng như hoàn thành sứ mệnh lịch sử giáo phó, lãnh đạo các hoạt động cách mạng cho đến Đại hội II của Đảng 2-1951 - khi Đảng quyết định ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 6-1-1946: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Kết quả, bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trung bình đạt 85%, có nơi đạt 100% cử tri đi bầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với 98,4% số phiếu bầu.

Các đại biểu được bầu vào Quốc hội bao gồm các đảng phái khác nhau: Việt Minh - Đảng Cộng sản Đông Dương chiếm 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam cách mạng Đồng Minh hội (Việt Cách) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc). Việc có các đại biểu đặc cách không qua bầu cử này là theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24-12-1945 giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Chủ trương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời điểm này là thực hiện chế độ đa đảng nhưng trên nền tảng đường lối, chủ trương của Việt Minh - nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Đường lối này thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, thể hiện chủ trương của Việt Minh về hoà hợp, đoàn kết dân tộc, không chỉ trấn áp bọn phản cách mạng, phá tan các âm mưu đảo chính, chống phá nhà nước cách mạng còn non trẻ mà còn tập trung, tranh thủ tập hợp lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, huy động sức mạnh của toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung - thực dân Pháp xâm lược.

Cùng với việc bầu cử Quốc hội, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã ra đời (gọi tắt là Liên Việt) nhằm thu hút những đảng phái, cá nhân chưa tham gia vào Việt Minh, có thể tham gia vào Hội Liên Việt, mở rộng phạm vi hoạt động, tạo thành khối đoàn kết toàn dân trên nền tảng của chính quyền mới được củng cố, cổ vũ, động viên người Việt Nam yêu nước tham gia bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. Ngày 9-11-1946, công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Điều 1 và 2 của Hiến pháp quy định: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia. Khi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình được phát động cũng là lúc muôn người Việt Nam như một, tất cả già trẻ, gái trai, đảng phái, tôn giáo… hễ là người Việt Nam đều kề vai sát cánh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đấu tranh với tất cả vũ khí có trong tay. Chính sức mạnh quật khởi của cả dân tộc được khơi dậy, liên tiếp giành những thắng lợi quyết định trên chiến trường: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950… Đại hội II của Đảng bổ sung và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dânxác định rõ: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh phong kiến làm từng bước có kế hoạch, phục vụ cho nhiệm vụ đánh đế quốc hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả nhiệm vụ phản đế và phản phong… Nhiệm vụ tăng cường công tác xây dựng đảng, nâng cao sức chiến đấu và hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh được chú trọng. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng đã tập hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền Bắc đi lên xây dựng CNXH - hậu phương của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam bước vào giai đoạn cách mạng mới với đặc điểm: Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc được giải phóng, bắt đầu xây dựng CNXH. Miền Nam vẫn còn dưới ách đô hộ, áp bức của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã xác định con đường phát triển của cách mạng nước ta phải tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm thực hiện một mục tiêu chung của cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian này, cùng với Đảng Lao động Việt Nam, trên hai miền đất nước tồn tại các đảng phái khác nhau cùng hoạt động: Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam ở miền Bắc và Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Cần lao nhân vị, Đảng dân chủ Xã hội Việt Nam, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại Việt Quốc dân Đảng, Liên minh các Lực lượng dân tộc, Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam… ở miền Nam, nhưng chỉ có Đảng Lao động Việt Nam là đảng duy nhất tập hợp được đông đảo quần chúng, cảm hoá, tranh thủ lực lương yêu nước từ các đảng phái khác nhau, lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đấu trang, thực hiện chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vì vậy, trải qua 21 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã chiến đấu kiên cường anh dũng, với sự đồng tình, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cả nước tiến lên xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bên cạnh thuận lợi và những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn đầu xây dựng đất nước, Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, việc xác định sai cơ cấu kinh tế, cùng với những khuyết điểm của mô hình kinh tế hàng hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng, trong khi đó, nước ta còn bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận...

Tình hình trong nước cũng như xu thế phát triển của thời đại đặt ra và để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác. Đại hội đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, phải nắm vững quy luật khách quan, lấy dân là gốc.

Thành tựu đạt được trong 25 năm đổi mới và hội nhập không chỉ minh chứng đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta mà còn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Đại hội XI của Đảng khẳng định: Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Và, tổng kết quá trình hơn 80 năm cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại”(4). Đó là cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thần thánh, quá trình đổi mới và một trong những thắng lợi nổi bật không một thế lực nào có thể phủ nhận, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thắng lợi quan trọng, đưa đất nước vượt qua những khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua mọi khó khăn, bao vây cấm vận, cơn động đất chính trị dữ dội trên thế giới (năm 1989-1991), cơn bão táp khủng hoảng tài chính, kinh tế ở khu vực (1997-1998) và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới, nợ công đang diễn ra phức tạp hiện nay… Điều đó, một lần nữa khẳng định, Đảng ta đã và đang là Đảng lãnh đạo duy nhất đưa Việt Nam ra khỏi nhóm nước kém phát triển, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất đang là lực cản không nhỏ. Thậm chí đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ như Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI chỉ rõ. Do đó việc làm trong sạch Đảng, thực hiện 4 nhóm giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 đề ra là nhiệm vụ cấp bách nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng đề ra. Bài học “nhãn tiền” và “đau đớn” của Liên Xô đã cho chúng ta thấy phải có Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn vì lợi ích của mỗi người dân, lợi ích của Tổ quốc, dân tộc.

Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng

(1,2)Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H.1997, tr.94.

(3) Sđd, tr.472.

(4)Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, NxbCTQG, H.2011, tr.63.