Theo chân những người giữ rừng

(NTO) Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng huyện Ninh Sơn đã quyết liệt vào cuộc để trấn áp, ngăn chặn bọn “lâm tặc” khai thác, vận chuyển gỗ lậu về xuôi. Tuy nhiên, đây vẫn là “cuộc chiến” dài lâu giữa một bên là người làm công tác bảo vệ rừng, còn bên kia là các đối tượng phá rừng. Để làm rõ hơn, Phóng viên Báo Ninh Thuận đã theo chân những người giữ rừng truy quét gỗ lậu vào một ngày đầu Xuân Quý Tỵ 2013.

Đúng giờ G, xuất phát từ Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, chúng tôi thẳng tiến về xã Ma Nới, nơi giáp ranh với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Trong sương mờ lạnh buốt, đội tuần tra bí mật gồm 12 chiến sĩ Kiểm lâm cơ động huyện cải trang thành người đi rừng với quyết tâm bắt cho bằng được bọn “phá sơn lâm” ở những cánh rừng Ma Nới.

Các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép bị phát hiện trong đợt truy quét.

Vượt hơn 15 km đường rừng nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được Tiểu khu 109. Đúng 2 giờ 50 phút, cả “tiểu đội” chống phá rừng dừng xe trên đỉnh dốc Ba Cô, thuộc thôn Tà Nôi, xã Ma Nới. Tại đây, anh Lê Văn Thắng, Tổ trưởng cơ động nhanh chóng tập hợp anh em triển khai kế hoạch tác chiến trong chớp nhoáng. Theo kế hoạch, cả “tiểu đội” được chia làm 3 tổ: Tổ một do anh Thắng “cầm quân” vào Tiểu khu 122 để mai phục. Hai tổ còn lại ở vòng ngoài làm công tác sẵn sàng tiếp ứng cho tổ một.

Đến 3 giờ sáng, tại dốc Căm Liên, thuộc tiểu khu 122, xã Ma Nới, tổ “trinh sát” số một do anh Thắng trực tiếp chỉ huy đã phát hiện 5 đối tượng dùng xe công nông độ chế chở gỗ lậu đi về hướng Ma Bó, xã Đạ Uyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Chiếc xe chở gỗ lậu đang rú ga bò lên dốc, trên xe có 5 đối tượng đang ung dung ngồi tựa lưng vào đống gỗ hương xẻ hộp. Lập tức, anh Thắng cùng các chiến sĩ Kiểm lâm khác đang mật phục nhanh như cắt lao ra khống chế các đối tượng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ trên 5,4 m3 gỗ hương xẻ hộp; 1 máy bộ đàm cầm tay... Lúc này, chủ đầu nậu, bà Đỗ Thị Lụa, SN: 1978, ngụ tại thôn Chơ Ré, xã Đạ Uyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) khai nhận đã mua lại của người khác trong rừng và thuê 4 thanh niên “tiếp sức” để chuyển qua Lâm Đồng tiêu thụ.

Chưa hết, sau khi được tiếp sức thêm nhiều Kiểm lâm viên và nhân viên QL-BVR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn, Tổ công tác đã chia thành nhiều mũi kiểm tra các khu rừng gần đó. Đúng 6 giờ sáng cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 xe máy cày độ chế bị lật nghiêng dưới hố, gần 3 m3 gỗ hương bị bật văng ra khỏi lòng xe. Bị động, các đối tượng đã tẩu thoát.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, cho biết: Trong năm 2012, đơn vị đã mở 290 đợt tuần tra truy quét, phát hiện 394 vụ vi phạm lâm luật; xử lý 360 vụ vi phạm; tịch thu trên 222 m3 gỗ các loại; 107 xe máy độ chế, 24 cưa xăng và nhiều phương tiện khác; thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,6 tỷ đồng. Mặt khác, trong năm qua, trên địa bàn huyện xảy ra 7 trường hợp chống người thi hành công vụ.

Có thể nói, đây là những chiến công mà Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu ở Ninh Sơn vẫn đang là một vấn nạn. Để giải quyết có hiệu quả tình trạng này, cùng với lực lượng QL-BVR rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Ninh Sơn.