Rộn rã xuống đồng đầu xuân

(NTO) Trong nắng xuân dịu dàng, nông dân khắp nơi trong tỉnh phấn khởi xuống đồng, chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân. Dư âm của ngày Tết như vẫn còn rộn ràng trong những câu chuyện kể của các mẹ, các chị bên những thân lúa non xanh màu lộc biếc. Khắp các cánh đồng sôi nổi khí thế thi đua lao động, sản xuất.

Từ những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân nhiều địa phương đã dần thay đổi tập quán canh tác, trở thành những “nhà khoa học” trên chính thửa ruộng của mình. Đơn cử như mô hình “1phải, 5 giảm” được triển khai thí điểm tại xã Phước Hậu (Ninh Phước). Sau 2 năm thực hiện, từ 10 ha lúa ban đầu, đến nay, toàn xã đã có 136 ha lúa tham gia mô hình, chưa kể nhiều hộ nông dân ngoài mô hình cũng tự giác học tập cách làm mới này. Với năng suất vụ hè – thu 2012 trung bình lên đến 8,4 tấn/ha, vụ đông – xuân này, huyện Ninh Phước đã nhân rộng mô hình ở cả 9 xã, thị trấn trên địa bàn, với tổng diện tích gần 400 ha. Mồ hôi nhễ nhại, anh Ngụy Văn Chiến (thôn Hiếu Lễ) tươi cười cho biết: “Mùa trước, năng suất lúa nhà tôi không cao lắm nên năm nay tôi đổi giống, học tập từ những hộ khác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hy vọng sẽ bằng anh, bằng em.”

 
Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa đông - xuân.

Cũng là một mô hình trên cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình “Cùng nông dân ra đồng” do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai tại xã Phước Thái (Ninh Phước) đang chiếm được lòng tin của nông dân. Anh Trần Quốc Tuấn, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Ngoài 30 ha trong mô hình, chúng tôi còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và hướng dẫn sử dụng thuốc phòng bệnh cho 20 ha lúa ngoài mô hình. Vụ đông – xuân này Công ty còn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ninh Phước và thị trấn Phước Dân triển khai thí điểm mô hình này tại khu phố Mỹ Nghiệp với diện tích 5 ha, lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng tốt.

Việc học tập, ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa đang tạo nên những đổi thay trên các cánh đồng. Trong nụ cười rạng rỡ, lão nông Thăm Văn Ngọc, thôn Như Bình (Phước Thái) cho biết: Làm lúa ngày nay dễ hơn trước đây rất nhiều, năng suất cũng ngày một cao hơn, mà không tốn công nhiều. Những hàng lúa non đang nảy nở nhánh ngày càng dày, lấp đầy mọi khoảng trống trên nền bùn nâu chính là bằng chứng sống động cho hiệu quả từ phương pháp gieo sạ hàng.

Cách làm này vừa giảm được lượng giống, tăng tỷ lệ nảy mầm, lại bớt công dặm khi đẻ nhánh. Sử dụng một cây móc 3 tia để dặm lúa, một chị nông dân giải thích: Nhờ dụng cụ này, việc dặm lúa trở nên nhanh và đỡ vất vả hơn rất nhiều, chị em không phải cúi khom người như trước đây nữa.

Với gần 2.300 ha lúa xuống giống trong vụ đông - xuân này, nông dân huyện Ninh Hải cũng có mặt thường xuyên trên cánh đồng, chăm sóc kỹ lưỡng theo từng giai đoạn phát triển của lúa. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, hiện lúa đang sinh trưởng tốt.

Dọc theo Quốc lộ 1A, từ những ruộng lúa của bà con Raglai huyện Thuận Bắc đến cánh đồng của bà con người Chăm các xã Phước Nam, Phước Ninh của huyện Thuận Nam, lúa xanh mướt một màu, như càng thắm càng tươi trong nắng ấm. Trên cánh đồng xuân, vài cánh cò trắng lượn bay trong gió nhẹ, nụ cười của những người nông dân rạng rỡ, mang bao hy vọng về một vụ lúa mới bội thu, no đủ.

Ngay sau tết Quý Tỵ, nông dân xã Hòa Sơn tập trung ra đồng thu hoạch mỉ cao sản. Ảnh: Sơn Ngọc

Cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh, nông dân huyện Ninh Sơn phấn khởi ra quân sản xuất ngay những ngày đầu năm mới. Ngoài một số ít diện tích cây ngắn ngày như lúa nước, đậu, bắp...đang được bà con chăm sóc theo vụ, thì hai loại cây nguyên liệu chính là mía – mì cũng đang được nông dân tranh thủ thu hoạch để nhanh xuống giống vụ mới 2013. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tổng diện tích hơn 2.600 ha mì toàn huyện thì đến nay nông dân đã thu hoạch bán cho nhà máy mì và các cơ sở tư nhân gần xong. Hiện còn một số ít diện tích mì tập trung chủ yếu ở Hòa Sơn, bà con đang tất bật thu hoạch và bán với giá khá ổn định từ 1.600 – 1.700đồng/kg. Trong khi cây mì gần kết thúc vụ thu hoạch, thì cây mía cũng đã bước vào vụ thu hoạch rộ. Theo nông dân Nguyễn Văn Hai, thôn La Vang thì dù ngày mùng 6 Tết mới có lệnh thu mua từ Trạm nguyên liệu mía đường Ninh Sơn, nhưng ngay từ ngày mùng 4 Tết tại các rẫy mía nhiều hộ đã tiến hành thu hoạch cho kịp cung cấp mía cho nhà máy. Hiện gia đình anh đã thu hoạch gần xong 2,5 ha mía tơ, độ khoảng hai ngày nữa sẽ tranh thủ đốt rạ và xuống giống lại. Được biết, chỉ trong 5 ngày ra quân sản xuất (từ ngày mồng 4 đến mùng 8 Tết) đến nay nông dân huyện Ninh Sơn đã cung ứng cho Công ty Mía đường Phan Rang hơn 1.500 tấn mía. Theo dự kiến, đợt thu hoạch vụ mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 4.