Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992: Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài

Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa nhiều mặt liên quan đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 5 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Ảnh minh họa

Nhiều năm nghiên cứu về vấn đề dân tộc, Nhà nghiên cứu Dân tộc học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính cho rằng: Nên chăng có 1 ý là Phát huy vai trò của dân tộc chủ thể là người Việt. Vì với 1 quốc gia đa tộc thì sự phát triển của quốc gia đó là 1 quy luật chung, đều lấy sự phát triển tộc người đa số là hướng phát triển. Đó là quy luật tất yếu của các quốc gia đa tộc người. Đương nhiên, bên cạnh phát huy vai trò năng động, sáng tạo của tộc người chủ thể thì luôn luôn phải phát huy được tộc người thiểu số và các vùng tộc người khác.

Góp ý vào khoản 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính cho rằng: phải bỏ chữ “tôn trọng” và thêm chữ “tương trợ”. Do đó, khoản 2 viết là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Bởi vì, phải bình đẳng mới có đoàn kết, và muốn đoàn kết thì phải tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Đồng thời, tại khoản 2 phải bổ sung ý, thể hiện đây là nguyên tắc bất di, bất dịch hoặc là nguyên tắc có chiến lược lâu dài.

Ông Lù Văn Que, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, mở đầu điều 5 của Hiến pháp phải xác định: “Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài". Bởi vì, có xác định như vậy mới tạo được sự thống nhất từ Đảng đến toàn dân về nhận thức và hành động đúng tầm của vấn đề này. Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước.

Ông Lù Văn Que cũng cho rằng: Tại khoản 4 của điều 5 phải khẳng định, nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc. Như vậy, khoản 4 phải ghi là: Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, tôn trọng, thương yêu, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tiến bộ”; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”:

“Phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện và tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển. Các dân tộc thiểu số phải phát huy nội lực để phát triển, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Từng bước thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo. Xác định các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta như vậy vừa đầy đủ, vừa hợp với thực tiễn; Nếu ai không thực hiện tốt hoặc bỏ sót một trong các nguyên tắc trên là vi phạm chính sách dân tộc, sẽ gây hậu quả khó lường”, ông Que nhấn mạnh.

Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa nhiều mặt liên quan đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển bền vững của quốc gia. Điều 5 liên quan trực tiếp và điều tiết mối quan hệ chính trị - xã hội của các thành phần tộc người, liên quan đến con người, có tính nhạy cảm; liên quan đến dân tộc đa số và dân tộc thiểu số. Mọi quy định trong Điều 5 sẽ là định hướng để hình thành các văn bản luật liên quan đến mối quan hệ dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Nguồn VOV Online