Đầu năm kể chuyện làm thầy

(NTO) Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Cường, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, người đã có hơn 42 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi được nghe những chia sẻ, những khoảnh khắc không thể nào quên và cũng là những trăn trở của một người thầy…

Là người con của quê hương Giao Thủy, Nam Định, nhưng Ninh Thuận thực sự như quê hương, mảnh đất gắn bó máu thịt và cả sự nghiệp của Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường. Năm 1972, như bao thanh niên thời bấy giờ, thầy giáo trẻ Phạm Hồng Cường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc quyết định tạm dừng công việc dạy học ở quê hương, viết đơn tình nguyện vào chiến trường. Và như một duyên số định mệnh, thầy Cường đã chọn Ninh Thuận là nơi nhận công tác của mình, dù lúc đó tất cả những gì ông biết về địa danh này chỉ vỏn vẹn có 5 từ: “tỉnh cực Nam Trung Bộ”.

Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Cường

Vào Ninh Thuận, mảnh đất đầu tiên gắn bó với người thầy giáo trẻ lại chính là vùng căn cứ cách mạng Bác Ái. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng đó cũng là khoảng thời gian để lại cho thầy những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên về tình cảm thầy trò. “Những ngày ấy, thầy trò chúng tôi thiếu muối, thiếu gạo… bữa ăn chỉ có khoai, mì khô trộn với đậu đen. Không chỉ khó khăn, thiếu thốn… thầy trò còn phải đối mặt với sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Trường học phải sơ tán liên tục và cứ mỗi lần di chuyển tới một địa điểm mới là lại phải xây dựng lại từ đầu. Mãi mãi người thầy như tôi sẽ chẳng thể nào quên được những ngày tháng đẽo cây rừng làm bảng, lấy đá trắng non làm phấn, thậm chí là phải giải toán ngay trên đất…. Vừa dạy học, vừa lên rẫy trồng bắp, trồng mì để có cái ăn và luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chống càn quét của địch…” - Nhà giáo Phạm Hồng Cường nhớ lại.

Chọn Ninh Thuận là quê hương thứ 2, thầy Cường đã có 39 năm đón tết ở vùng đất nắng gió này. Những cái Tết đầu tiên xa quê, những cái Tết trong chiến tranh, bom đạn, trong đói khổ, thiếu thốn, chỉ có hoa rừng thay cho đào, mai; trái cây rừng hái được thay cho bánh chưng, bánh tét… nhưng nồng ấm tình thầy trò, quân dân. Đó mãi là những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời của một người làm thầy, để cho đến hôm nay, thỉnh thoảng lại có những khoảnh khắc ngỡ ngàng khi ai đó ôm chầm lấy mình trong niềm vui sướng: “Thầy ơi, thầy còn nhớ em không?”. Bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua, học sinh người Kinh, người Raglai… giờ đã trưởng thành, nhiều người giờ đã là “cán bộ”, thầy sao nhớ hết. Nhưng, được nghe những câu hỏi đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người làm thầy!

Những khó khăn, gian khổ, những kỷ niệm khó quên về tình cảm thầy trò là những tài sản vô giá nhưng cũng là trăn trở của một người gắn bó với nghiệp làm thầy: “Không sao có thể nói hết những gian khổ, thiếu thốn của môi trường giáo dục trong những năm chiến tranh. Nhưng càng gian khổ, những giáo viên thế hệ chúng tôi lại càng sục sôi ý chí, quyết tâm vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Có những thầy, cô đã hy sinh cả xương máu vì sự nghiệp dạy học; biết bao thầy cô cả đời gắn bó “đưa đò” vẫn thanh bạch không một chút lợi danh… Chính họ là những người đã góp phần làm nên sự phát triển của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà hôm nay. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thì những người thầy có tâm chính là những “viên gạch” dựng nên sự khởi sắc của giáo dục, đặc biệt là những vùng khó khăn. Thật hạnh phúc khi các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bác Ái, Thuận Bắc hôm nay đã có trường học mới khang trang, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, chất lượng giáo dục được nâng lên… Nhưng cũng không khỏi trăn trở khi vẫn còn những thầy cô, giáo coi “dạy học” chỉ là một nghề để kiếm sống, còn đè nặng việc dạy thêm-học thêm, đề cao lợi ích vật chất hơn giá trị bài học và tình cảm thầy trò…”

Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường cho rằng: “Giáo viên là người truyền dạy kiến thức nên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, thông tin… để bài học dành cho học sinh không chỉ bó hẹp trong những trang sách. Trình độ, kỹ năng là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là người thầy phải có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, họ phải là những người xứng đáng cho học sinh và cả xã hội soi vào để noi theo”.

Bước sang xuân mới Quý Tỵ, thông qua những kỷ niệm và chia sẻ chuyện nghề của Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy, cô giáo đã hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.