Ngành Giáo dục và Đào tạo: Giai đoạn phát triển mới

(NTO) Đến tháng 4-2012, sau 20 năm từ ngày tái lập tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có bước phát triển đáng kể. Toàn tỉnh đã có 317 cơ sở trường học, tăng 211 trường. Trong đó, Mầm non tăng 19 trường, Tiểu học tăng 41 trường, THCS tăng 45 trường, THPT tăng 13 trường (gấp 3 lần so với năm 1992). Hiện đã có 5 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, 6 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, 4 Trung tâm KTTH-HN và GDTX; 12 trung tâm và cơ sở ngoại ngữ - tin học; 65 Trung tâm Học tập cộng đồng. Tỉnh đã có Trường THPT chuyên và Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại tỉnh. Có 32 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 10% cơ sở giáo dục.

 
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch tinh kiểm tra tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2012
tại Trường THPT Nguyễn Du (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên

Toàn tỉnh hiện có 7.368 giáo viên, tăng 4.213 giáo viên. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tình hình thiếu giáo viên miền núi, giáo viên THPT và giáo viên các môn học đặc thù đã được khắc phục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ khá cao, nhiều cấp học tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao hơn mặt bằng chung cả nước. Có 131.000 học sinh (tăng 48.960 học sinh), trong đó Mầm non tăng 9.040 cháu; Tiểu học tăng 711 hs; THCS tăng 22.005 hs; THPT tăng 15.622 học sinh. Số học sinh trúng tuyển hệ chính quy Đại học, Cao đẳng là 3.097 em (gấp 18 lần so với năm 1992), tăng 2.882 em. Nhiều học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic khu vực; đoạt giải thủ khoa, á khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Chất lượng giáo dục đã có bước tiến lớn trong cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch cao giữa các vùng; chất lượng giáo dục mũi nhọn còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý còn bất cập; thực hiện việc phân cấp quản lý chưa năng động, thiếu linh hoạt và sáng tạo. Việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên chưa thực sự quyết tâm, còn ngại khó trong đổi mới phương pháp giảng dạy; giáo dục kỹ năng sống chưa được coi trọng đúng mức. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều nơi còn thiếu, xuống cấp; chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển và yêu cầu mở rộng học 2 buổi/ngày. Tình trạng thiếu phòng thí nghiệm thực hành, phòng học bộ môn, thư viện, sân chơi, bãi tập, dụng cụ thí nghiệm thực hành còn khá lớn. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa được sâu rộng. Sự phối hợp giữa “nhà trường-gia đình-xã hội” chưa thường xuyên, thiếu sự đồng bộ.

 
Học sinh Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Văn Miên

Trong giai đoạn phát triển mới, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo là tạo ra lớp người mới toàn diện: Năng động, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, không ngại đương đầu với khó khăn; đồng thời coi trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức của con người hiện đại: Yêu nước, trung thực, biết bao dung, biết giao tiếp và hợp tác. Ngoài ra, quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ, giáo dục cảm xúc, đào tạo toàn diện con người có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh. Kiên quyết từ bỏ kiểu đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, thiếu độc lập suy nghĩ và không dám tự chịu trách nhiệm cá nhân.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu trên, trong giai đoạn 2011-2015 ngành Giáo dục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm:

1. Đổi mới quản lý giáo dục:

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì: “Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục và đào tạo”. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương. Tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp của 3 môi trường giáo dục. Trong công tác quản lý của mỗi cơ sở giáo dục, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; không trông chờ, lệ thuộc vào cấp trên. Đồng thời xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, không buông lỏng quản lý của cấp trên. Bảo đảm dân chủ hóa trong giáo dục. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý.

 
Giáo viên lớp 3A, Trường TH Phước Bình B (Bác Ái) dạy học theo mô hình VNEN.
Ảnh: Bích Thủy

2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo:

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng giáo dục, do đó việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phải khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá để bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên; kiên quyết sắp xếp không bố trí giảng dạy những giáo viên không đạt chuẩn đào tạo, vi phạm về phẩm chất nhà giáo hoặc yếu kém về năng lực trình độ. Đổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế. Chuẩn hóa trong tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ở tất cả các cấp học, bậc học đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục:

Quan tâm nâng cao chất lượng cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học. Tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Đổi mới phương pháp dạy học trên tinh thần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; chú ý rèn luyện phương pháp học, đặc biệt là phương pháp tự học cho học sinh; chuẩn bị đón đầu cho việc thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2015. Kiểm tra, rà soát, phân loại chất lượng học sinh, có giải pháp phụ đạo học sinh yếu kém, kiên quyết không để tình trạng học sinh “ngồi sai lớp”. Khắc phục ngay tình trạng dạy chay, học chay hiện nay. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học. Thực hiện đồng bộ mọi giải pháp để khắc phục ngay tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học hiện nay.

 
Cô giáo Ngọc Bích, Trường Mầm non Sơn Ca hướng dẫn trò chơi cho các cháu.
Ảnh: Duy Anh

4. Tập trung cho giáo dục mầm non:

Tìm cách tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ, trẻ mẫu giáo đến trường; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non; củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới và loại hình các cơ sở GDMN. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, học 2 buổi/ngày. Tiếp tục áp dụng thực hiện Chương trình GDMN mới trên phạm vi toàn tỉnh.

5. Quan tâm giáo dục vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Tăng cường hiệu quả giáo dục ở các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc Bán trú; thực hiện chương trình giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp đặc thù cho các trường Dân tộc nội trú. Một số vùng, có khoảng cách đến trường quá xa cần mở rộng mô hình để hình thành thêm các trường bán trú dân nuôi tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Tăng cường việc dạy Tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo và các lớp đầu cấp tiểu học, tạo điều kiện để các em tiếp thu bài học và tự học theo sách giáo khoa. Mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên người Kinh đang giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Chú trọng giáo dục mũi nhọn:

Ngay từ đầu cấp phổ thông, khuyến khích và tạo điều kiện để các trường học phát hiện, bồi dưỡng sớm nhân tài, cần nuôi mầm từ khi các em còn nhỏ và ở các cấp học thấp. Tăng cường đầu tư, thực hiện các chính sách khuyến khích để Trường THPT Chuyên Lê Quí Đôn trở thành nơi đào tạo chất lượng cao, nguồn đào tạo nhân tài, sánh ngang với các trường chuyên khác trong cả nước. Có chính sách thu hút sinh viên, giáo viên giỏi về trường chuyên.

7. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

Đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm, không bình quân dàn trải. Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học tối thiểu của tất cả các cơ sở giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng các trường trọng điểm, trường chuyên, trường dân tộc nội trú, bán trú. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt chủ trương đổi mới cơ chế tài chính; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt các quy định về miễn, giảm, hỗ trợ học phí và vay tiền ngân hàng để học cho học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng theo quy định của Pháp luật.

8. Xây dựng mạng lưới trường đào tạo ở địa phương:

Phối hợp tốt với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đưa phân hiệu đại học hoạt động có hiệu quả để đào tạo cán bộ khoa học- kỹ thuật ở địa phương. Mở rộng qui mô đào tạo trường CĐSP theo hướng đa ngành, mở thêm các mã ngành đào tạo mới; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tích cực đưa giảng viên đi bồi dưỡng nâng lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; phối hợp với Phân hiệu ĐH Nông lâm để nâng cấp thành trường Đại học của địa phương sau năm 2015. Tiếp tục xây dựng đưa vào hoạt động trường Trung cấp Y tế, Trung cấp Việt Thuận, Trung cấp Tân Bách Khoa. Tích cực mời gọi, tạo điều kiện thu hút đầu tư để các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có đủ điều kiện mở trường Đại học, Cao đẳng, TCCN tư thục.

9. Quan tâm đến xây dựng “Xã hội học tập”:

Triển khai đề án Xây dựng Xã hội học tập trong toàn tỉnh. Phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên, mở rộng các hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, giúp người học hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đầu tư xây dựng mới 4 trung tâm GDTX-HN-DN tại các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái. Chuyển các trung tâm KTTH-HN hiện có thành các trung tâm GDTX-HN-DN để đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ. Củng cố, phát triển các Trung tâm Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tại các Trung tâm; bố trí số cán bộ chuyên trách công tác phổ cập-XMC biệt phái trong công tác quản lý Trung tâm.

10. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục:

Khuyến khích các cơ sở giáo dục trong tỉnh hợp tác với các cơ sở giáo dục của các thành phố lớn trong nước, trong khu vực và nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ khoa học và quản lý giáo dục. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ cho giáo dục, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần đổi mới giáo dục tỉnh Ninh Thuận.