Nỗ lực của ngành Giáo dục Ninh Phước

(NTO) Trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ninh Phước vẫn có những bước tiến đáng ghi nhận. Nổi bật là đã được tỉnh công nhận thêm Trường TH An Thạnh và Trường TH Long Bình, thuộc xã An Hải đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 6 trường chuẩn trên địa bàn toàn huyện. Theo kế hoạch năm học 2012-2013, Ninh Phước phấn đấu có 4 trường đạt chuẩn, như vậy đến nay đã thực hiện được 50% mục tiêu đề ra.

Năm học mới này, trừ các trường THPT do Sở GD&ĐT quản lý, toàn huyện có 55 trường học bao gồm: 10 trường THCS, 33 trường TH và 12 trường Mầm non (trong đó có 1 trường mầm non tư thục). Tính đến hết học kỳ 1, Ninh Phước đã huy động ra lớp 8.436 học sinh THCS (224 lớp), 12.099 học sinh TH (483 lớp) và 2.456 học sinh mầm non (84 lớp).

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước.
Ảnh: Văn Miên

Hiện nay, ngành GD&ĐT huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định chuẩn quốc gia cho 2 trường THCS là Trương Định (Phước Dân) và Phan Đình Phùng (Phước Hải). Một thành tựu nữa của GD&ĐT Ninh Phước trong thời điểm này là ngành đang tập trung cho công tác phổ cập mầm non, được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm học này, Ninh Phước đã huy động ra lớp đạt 95,4% số trẻ em trong độ tuổi, tăng 0,2% so với năm học trước. Có dịp đến các trường mẫu giáo trong huyện, chúng tôi nhận ra tất cả đều có tổ chức ăn trưa cho trẻ học bán trú. Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng nhờ các trường cố gắng huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh và hỗ trợ của chính quyền địa phương nên bước đầu có 57/77 lớp bán trú tại trường tổ chức được bữa ăn trưa cho 1.868 trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 94,2% so với tổng số học sinh mầm non độ tuổi trên. Thành công này tạo sự phấn khởi lớn trong ngành GD&ĐT huyện.

Đặc biệt không chỉ dừng lại ở con 4 số trường chuẩn theo kế hoạch, bước sang năm 2013, huyện còn phấn đấu có thêm 5 trường TH đạt chuẩn quốc gia là: Phú Quý 1, Mỹ Nghiệp (Phước Dân), Phước Khánh, Thuận Hoà (Phước Thuận) và Từ Tâm 1 (Phước Hải). Tuy nhiên đây chính là vấn đề mà ngành GD&ĐT huyện trăn trở. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Để các trường đạt chuẩn quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng cơ sở vật chất, nhưng cái khó là không biết tìm đâu ra nguồn vốn đầu tư”. Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, trong các trường kể trên chỉ có 3 trường TH Phú Quý 1, TH Phước Khánh, TH Thuận Hoà là tạm ổn về cơ sở vật chất nhưng 2 trường còn lại nếu không được đầu tư sẽ khó mà đạt chuẩn. Việc ngưng đầu tư giáo dục từ Chương trình Trái phiếu Chính phủ đang khiến Ninh Phước phải dừng kế hoạch xây dựng một số phòng học, phòng chức năng. Mặt khác cũng không thể trông chờ vào ngân sách huyện trong thời điểm hạn chế đầu tư công nên ngành GD&ĐT huyện chủ trương thực hiện xã hội hoá ở một số trường học nhỏ. Nhưng để “xã hội hoá” đầu tư trường chuẩn là điều khó có khả năng thực hiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thực tế phòng học ở Ninh Phước đang thiếu hoặc xuống cấp, tập trung ở trường học mầm non và một số trường TH. Cụ thể ở cấp học mầm non cần thay thế 40 phòng học, ở cấp TH cần 120 phòng học để thay thế các phòng học xuống cấp và tăng cường cho các lớp học 2 buổi/ngày (chí ít phải đạt 60% số lớp ở trường TH theo nghị quyết của Huyện uỷ Ninh Phước). Các cán bộ, giáo viên mà chúng tôi gặp ở huyện Ninh Phước không khó khăn gì khi dẫn chứng về các phòng học xuống cấp, gây nguy hiểm cho học sinh học tập. Thấy rõ nhất là tại các trường TH Hoài Trung, Như Bình (Phước Thái), Chất Thường (Phước Hậu), Vĩnh Thuận (Phước Dân), Phú Nhuận (Phước Thuận), Hậu Sanh (Phước Hữu). Nhiều trường mẫu giáo của các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hải phải mượn cả trụ sở thôn, nhà văn hoá để học. Thật ra, ngay các cơ sở trường mẫu giáo có đủ phòng học cũng có vấn đề, vì trước đây thường là do HTX xây dựng nên phần nhiều các phòng chưa đúng chuẩn và không bảo đảm an toàn cho các cháu.

Đứng trước thực trạng trên, ngành GD&ĐT Ninh Phước chọn giải pháp khắc phục điều kiện hiện có, huy động các nguồn lực xã hội để tu sửa tạm thời, mặt khác dành ưu tiên đầu tư cho những nơi phòng học xuống cấp nặng. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Trong những năm qua, nhiều trường đã tranh thủ sự đóng góp của phụ huynh học sinh, sự tài trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân để sửa chữa nhỏ một số công trình như tường rào, cổng, sân. Song để đạt yêu cầu trường chuẩn quốc gia, không thể chỉ có nguồn lực xã hội mà cần phải có kinh phí nhất định của Nhà nước mới có thể xây dựng các nhà hiệu bộ, các phòng chức năng đúng theo tiêu chí đặt ra. Điều này đang là thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực của ngành và các cấp trong huyện.

Đồng chí Phạm Y,

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước:

Trong năm 2013, bám sát Kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011-2015 và Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, UBND huyện Ninh Phước sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư toàn diện cho ngành GD&ĐT. Trong đó, sẽ tranh thủ các nguồn vốn và kêu gọi xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên cho những trường ở vùng khó khăn và các trường trong giai đoạn phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, huyện sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, tuyển chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết; chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan phối hợp chặt chẽ cùng tăng cường công tác vận động, duy trì sỹ số học sinh, quan tâm hỗ trợ kịp thời để học sinh không phải bỏ học do điều kiện khó khăn… từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đồng chí nguyễn thanh bình,

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Phước:

Trong những năm qua, tuy khó khăn về vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học và việc thực hiện “xã hội hoá” giáo dục nhưng nhìn chung ngành GD&ĐT Ninh Phước đã làm tốt công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và nâng cao chất lượng dạy học. Tính đến nay, không kể cán bộ quản lý, toàn huyện có 133 giáo viên mầm non, 655 giáo viên TH và 478 giáo viên THCS trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Tính riêng ở bậc THCS, đội ngũ giáo viên đã cơ bản đủ số lượng đáp ứng yêu cầu dạy học, tuy nhiên do yêu cầu phát triển giáo dục giai đoạn mới, bậc học mầm non đang cần có thêm 20 giáo viên và bậc tiểu học cần bổ sung 22 giáo viên dạy chữ Chăm. Trong khi chưa có đủ số giáo viên, các trường đã tự khắc phục, phân công hỗ trợ nhau nên chưa có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học. Điều quan trọng hiện nay là giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là bậc THCS. Nếu so với những năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm nhiều nhưng theo chỉ đạo của Huyện uỷ, phải tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học.

Thầy giáo Quảng Đại Thính,

Hiệu trưởng Trường THCS, Phan Đình Phùng, xã An Hải (Ninh Phước):

Đóng trên địa bàn của một xã ven biển, điều kiện kinh tế còn khó khăn, Trường THCS Phan Đình Phùng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học và chất lượng giáo dục là điều mà nhà trường phải trăn trở nhiều nhất. Để vừa có thể duy trì sỹ số học sinh, vừa nâng cao chất lượng dạy học, thời gian qua chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc theo dõi chặt chẽ tình hình học sinh đến lớp, nắm bắt kịp thời điều kiện hoàn cảnh những học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động các em trở lại lớp; đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy, học và đẩy mạnh công tác khuyến học thông qua vận động xã hội hóa giáo dục. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng; đẩy mạnh các phong trào thi đua của ngành, phát huy vai trò của học sinh thông qua thành lập các CLB “Đôi bạn cùng tiến” giúp đỡ nhau học tập, động viên nhau tới lớp…