Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động thông tin về biển, đảo

(NTO) Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp học tập và tuyên truyền về sự lợi ích cũng như việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta cho các tầng lớp nhân dân và đã có nhiều đơn vị, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham gia tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số điạ bàn dân cư vùng sâu, vùng xa việc học tập, tuyên truyền về biển, đảo còn chưa được thường xuyên, nên hiểu về vấn đề này chưa được sâu sắc và bài bản.

Việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo là vấn đề quan trọng của việc tuyên truyền đối ngoại, là hoạt động thông tin định hướng cho nhiều đối tượng trong nước cũng như nước ngoài.

Đối với nhân dân trong nước, tuyên truyền đối ngoại có nhiệm vụ cung cấp thông tin quốc tế kịp thời, chính xác, giúp nhân dân trong nước có thêm kiến thức, hiểu biết đúng đắn về các sự kiện, những diễn biến phức tạp trong khu vực, trên thế giới có liên quan đến Biển Đông, trong đó có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Trên cơ sở đó làm cho nhân dân trong tỉnh hiểu rõ hơn các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần đấu tranh nhằm vạch trần các hành động, luận điệu kích động chống phá nước ta của các thế lực thù địch, phản động. Muốn làm tốt điều này, trước hết các cơ quan chức năng cần làm cho nhân dân địa phương hiểu rõ về biển, đảo nước ta có vị trí quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế biển. Bởi vì nước ta có bờ biển dài 3.260 km, với vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hai quần đảo có vị trí chiến lược rất quan trọng là Trường Sa và Hoàng Sa, có 125 bãi biển với nhiều vịnh đẹp như Hạ Long, Cam Ranh. . . và có các đảo lớn như Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Sơn cùng với 90 cảng biển.

Việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo phải có hệ thống, mang tính liên tục và sâu rộng làm cho nhân dân địa phương hiểu rõ được cơ sở pháp lý, lịch sử chính nghĩa của đất nước ta đối với chủ quyền biển, đảo; đồng thời toàn dân cần hiểu rõ lập trường, thái độ ứng xử, hòa bình, hợp tác có nguyên tắc, có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta, thông qua đó chúng ta cần lồng ghép tuyên dương những tấm gương, những hành động tốt trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn quốc phòng- an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cơ quan chức năng cần chú ý bồi dưỡng về nội dung cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên về biển, đảo ở tất cả các cấp và tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho đội ngũ báo cáo viên.