Nhật ký hải trình “Trường Sa thân yêu”: Tổ quốc nơi đầu sóng

Ngày 20-1

(NTO) Hải trình của chúng tôi sắp kết thúc. Túi hành lý của nhiều người nặng thêm những món đồ nho nhỏ của Trường Sa, để làm kỷ niệm hoặc làm quà cho người thân. Đằng sau những món đồ ấy là biết bao tình cảm, trăn trở và tự hào về một phần máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng Biển Đông.

Các thành viên của đoàn công tác thích thú đàn chó trên đảo Sinh Tồn Đông.

Đến với Trường Sa, dù chỉ lưu lại rất ít thời gian trên mỗi điểm đảo, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đã kịp ghi lại nhiều nét đẹp của cuộc sống và con người nơi đây. Đó có thể là những điều rất bình dị như một buồng dừa lủng lẳng, một đàn vịt con lon ton trên bãi cát, vài chú heo thích tắm biển hay một tấm ảnh cưới đặt đầu giường của người sĩ quan trẻ, cành hoa ốc được anh lính đảo làm kỳ công và tỉ mỉ dành tặng người yêu,… Tất cả tạo nên một Trường Sa gần gũi mà thân thương. Ở nơi ấy, những tình cảm riêng tư hòa quyện với tình đồng đội, biến thành sức mạnh tinh thần tôi luyện ý chí, quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân, góp sức xây dựng hình ảnh một Việt Nam vững chắc và hiên ngang nơi biển xanh sóng biếc.

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận bộc bạch: Đi như thế này mới thấy đất nước mình bao la, rộng lớn và đẹp vô cùng; mới hiểu được rằng, bên cạnh cuộc sống nhộn nhịp, sôi động nơi đất liền, ở nơi “không xa” ánh đèn thành phố, có một Việt Nam kiên cường bám biển, bám đảo, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Mong sao đất liền sẽ ngày càng gần hơn nữa với Trường Sa, tiếp thêm sức mạnh cho các anh thực hiện nhiệm vụ.

Những vỏ ốc xinh xắn được gói bọc cẩn thận là món quà của lính đảo gửi đất liền yêu thương. Nhiều người còn mang về những cành bàng vuông được chiết từ những tháng ngày làm nhiệm vụ nơi đảo xa để làm kỷ niệm, với hy vọng một ngày không xa, hình ảnh cây bàng vuông rải khắp mọi miền đất nước sẽ kéo gần hơn khoảng cách giữa đất liền với Trường Sa. Và như để dự phòng, nhiều người trong chúng tôi còn nhặt cả những trái bàng vuông khô về ươm, chưa biết có thành công hay không, nhưng đó là tình cảm, là hạt mầm yêu thương mà tôi tin chắc là ai cũng hết mực trân quý. Cẩn thận viết hai chữ “Trường Sa” theo phong cách thư pháp lên hòn đá cuội, một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ trên đảo nhỏ chia sẻ: “Là quà mang từ Trường Sa thì dù chỉ là một hòn đá cuội cũng đều có ý nghĩa.”

Đã nhiều lần công tác trên biển, nhưng Thượng úy Phạm Hồng Phú, Chính trị viên tàu HQ 561 – KH 01 vẫn mang về một cành hoa ốc tặng cô con gái nhỏ của anh: “11 bông hồng đỏ và 11 bông hồng trắng có ý nghĩa là ngày sinh nhật của cháu (11-11). Hầu như chuyến biển nào tôi cũng mang cái gì đó về làm quà cho vợ con.” Trong khi đó, các thuyền viên trên tàu tranh thủ những lúc thả neo để câu cá về làm quà cho bạn bè ở đất liền. Những con cá mú, bè thu, nhồng,… nặng cả chục kí được các anh ướp đá cẩn thận. Trường Sa với các anh đã như một điểm đến thân quen trong cuộc đời và sự nghiệp.

Ngoài vài chiếc vỏ ốc xinh xắn, Trường Sa mà tôi mang về còn là hình ảnh những em nhỏ của đảo Sinh Tồn vui chơi trên bãi cát một sớm mai bình yên, là nụ cười rám nắng của một chiến sĩ trẻ người Ninh Thuận bên cột mốc chủ quyền của Tổ quốc nơi đảo xa, là màu cờ thắm đỏ giữa nền xanh biển trời, hiên ngang bay trong gió. Trường Sa thân yêu!

Gửi về từ Trường Sa