Bước tiến mới của Viễn thông Ninh Thuận

(NTO) Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính- Viễn thông (BC-VT) Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý, khai thác mạng lưới Viễn thông trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Viễn thông Ninh Thuận (VTNT) đã không ngừng đổi mới công nghệ, phát triển mạng lưới, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương và nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Năm 2012, năm thứ 5 VTNT đi vào hoạt động theo mô hình chia tách giữa Viễn thông và Bưu chính ra làm hai. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tầm nhìn chiến lược và bước đi cụ thể trong việc ổn định tổ chức, đầu tư phát triển toàn diện mạng lưới, đến nay hoạt động của VTNT đã dần đi vào nền nếp, ổn định theo mô hình tổ chức và phương thức hoạt động mới, góp phần tích cực cho công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trụ Ăng-ten VNPT. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Khắc Thanh, Giám đốc VTNT cho biết: “Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm VTNT đã chủ động đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục đổi mới quản lý, thực hiện cải cách trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chất lượng phục vụ và phát triển các dịch vụ mới như: Dịch vụ Internet tốc độ cao; dịch vụ MyTV; dịch vụ Mega Wan; dịch vụ phần mềm quản lý trường học và giải pháp liên lạc điện từ iEdu... Công tác chăm sóc, chế độ hậu mãi, khuyến mãi, bảo dưỡng, bảo trì, giải quyết khiếu nại của khách hàng luôn được VTNT giải quyết kịp thời. Các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh-sạch –đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”… luôn được VTNT thường xuyên phát động rộng khắp đến toàn thể CB - CNV, nên đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị”. Tính đến nay, đội ngũ CB-CNV của VTNT có 262 người, trong đó có 7 thạc sĩ, 99 người có trình độ Đại học, 12 người có trình độ Cao đẳng, 63 người có trình độ Trung cấp, số còn lại đều đã qua sơ cấp. Nhiều đồng chí cán bộ trẻ, mới được bổ nhiệm đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, chủ động đề xuất được nhiều phương án tổ chức sản xuất tốt nên đã khơi dậy nội lực mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành.

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ khách hàng của VNPT.
Ảnh: Văn Miên

Một tin vui trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013 đối với VTNT đó là tổng doanh thu trong năm 2012 của đơn vị đạt mức 214 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm. Tổng số thuê bao MegaVNN hiện có trên mạng lên đến 16.239 accounts. Số điện thoại cố định, Gphone, di động trả sau hiện có trên mạng 76.374 thuê bao, đạt mật độ 13 máy/100 dân. Có được kết quả này là nhờ ngay từ những năm đầu mới chia tách, VTNT đã nhanh chóng đầu tư đổi mới các trang thiết bị, tổ chức lại mạng lưới dịch vụ BC-VT đúng theo hoạch định và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, khi ngành BC-VT bước vào thời kỳ phát triển mạng viễn thông theo hướng hiện đại hoá. Trong kế hoạch tăng tốc qua từng năm, VTNT luôn quan tâm đến việc tranh thủ nguồn vốn của ngành và huy động từ các nguồn để đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng mạng truyền dẫn; đẩy mạnh tốc độ phát triển mạng lưới theo hướng đa dạng và hiện đại hoá rộng khắp các loại hình dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Nhờ vậy, từ chỗ cơ sở hạ tầng còn chắp vá, lạc hậu, đến nay mạng truyền dẫn của VTNT có đến 1.068 km cáp quang các loại, với 20 đầu thiết bị truyền dẫn ADM (FLX 150/600); 134 đầu thiết bị truyền dẫn OSN/1500/2500/3500; 32 thiết bị truyền dẫn quang Metro; 58 thiết bị truyền dẫn quang PDH FE 150L; 78 đầu thiết bị ghép kênh quang VOM8 và VOM-16; 78 đầu thiết bị Viba Pasolink 7Ghz và 13 thiết bị truyền nhập V52, mạng ring các thiết bị MAN-E với 02 AGG, 08 UPE, cùng hệ thống VOD, L3SW. Đối với mạng chuyển mạch, hiện VTNT có 1 tổng đài Host, 42 RDLU, với tổng dung lượng lắp đặt 91.928 số. Bên cạnh đó, VTNT còn có 3 trạm BSC, 177 trạm 2G và hơn 80 trạm 3G, đảm bảo tốt nhu cầu phát triển thuê bao Gphone và 3G của khách hàng. Các mạng ngoại vi chắp vá, chằng chịt trước đây nay cũng đã được đầu tư chỉnh trang bằng cáp đồng các loại, hầu hết các tuyến cáp chính tại thành phố và các huyện đã được ngầm hoá.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, VTNT còn luôn vận động CB-CNV của mình mỗi năm đóng góp hàng trăm triệu đồng để tham gia các hoạt động xã hội như: Ủng hộ Quỹ “Mái ấm công đoàn”, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào các vùng bị lũ lụt, quỹ khuyến học. Tổ chức động viên, thăm hỏi các gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Riêng ở lĩnh vực đóng góp, nộp ngân sách cho địa phương, trong năm 2012, VTNT đã đóng 10,4 tỷ đồng, đạt 195% kế hoạch năm. Với thành tích đạt được, VTNT vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng cờ Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012.

Hướng đến chặng đường tăng tốc mới, theo lãnh đạo VTNT cho biết, toàn đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý, đổi mới cơ chế sản xuất theo mục tiêu mới của ngành. Cùng với đó, đơn vị sẽ đầu tư mở rộng, hiện đại hóa mạng lưới viễn thông, tin học, tạo hạ tầng thông tin liên lạc rộng khắp, vững chắc và phát triển đa dịch vụ. Tiếp tục đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ CB-CNV nhằm năng cao trình độ kiến thức mới về chuyên môn để tiếp cận kịp thời các loại thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và các loại hình dịch vụ mới, nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập.