Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề Ninh Phước

(NTO) Trong những năm qua, nhờ phát triển mạnh nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm truyền thống đã làm cho đời sống kinh tế của người dân các làng nghề ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì bà con nơi đây cũng phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hiện nay, Làng nghề gốm Bàu Trúc có 200 hộ tham gia sản xuất, thu hút hơn 1.000 lao động, sản lượng hàng năm đạt khoảng 100.000 – 120.000 sản phẩm các loại; làng Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, hơn 70% dân số sống bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống… doanh thu hàng năm cũng được từ 10 – 15 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Tình trạng nuôi gia súc, gia cầm thả rong góp phần làm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.

Dạo quanh các làng nghề từ Chung Mỹ, Mỹ Nghiệp, đến Bàu Trúc đều không khó để có thể nhận thấy rằng, người dân chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc ô nhiễm môi trường. Ở làng nghề gốm Bàu Trúc chủ yếu đều nung gốm bằng công nghệ truyền thống, hầu hết các công đoạn đều làm theo phương pháp thủ công, nên việc xử lý chất thải ngay tại chỗ. Do vật liệu đốt chính là củi, thời gian nung gốm kéo dài từ 3 - 5 giờ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Chưa dừng lại ở đó, tại các làng nghề nói chung do tập quán nuôi heo thả rong cùng với chất thải xả ra môi trường bừa bãi, không được quản lý và xử lý kịp thời nên càng tăng thêm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân ở các làng nghề.

Theo thống kê của Bệnh viện huyện Ninh Phước, ở các làng nghề như Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ số lượng người mắc các bệnh ung thư, đường ruột, sốt xuất huyết, đau mắt, phụ khoa, viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có chiều hướng gia tăng và xảy ra thường xuyên hơn. Việc không ý thức bảo vệ môi trường chung còn tạo ấn tượng không tốt cho các du khách đến tham quan tại các làng nghề. Chị Nguyễn Minh Thái, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, ái ngại: Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm các làng nghề ở Ninh Thuận, tôi rất thích các sản phẩm cũng như văn hóa của người Chăm nơi đây. Tuy nhiên vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, rác thải sinh hoạt cũng như vật nuôi dọc theo các trục đường vào làng làm mất mỹ quan và gây mùi rất khó chịu.

Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn trong đầu tư cải tiến công nghệ; tập quán sản xuất, sinh hoạt; đặc biệt ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư còn rất hạn chế, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường chưa cao...

Ông Phú Văn Ngòi, Trưởng BQL khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân cho biết, trước đây, cũng có công ty đến thu gom rác nhưng chỉ được một thời gian đầu. Mặc dù phí thu gom chỉ 4.000 đồng/hộ/ tháng, nhưng do ý thức một số người dân còn kém cho rằng việc đó là không cần thiết nên không tập kết rác theo quy định, gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý. Hơn nữa, bà con nơi đây vẫn còn tập tục nuôi heo và các loại gia cầm thả rong, ảnh hưởng đến môi trường chung.

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ninh Phước cho rằng: Để đảm bảo môi trường cho các làng nghề trên địa bàn thị trấn Phước Dân, trước tiên cần có biện pháp hữu hiệu; thực hiện thu gom và xử lý rác thải, chất thải một cách chặt chẽ. Nâng cao nhận thức cho người dân trong cộng đồng, xây dựng và áp dụng quy ước bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình cộng đồng thường xuyên giám sát vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí để xét thi đua; xét và công nhận làng nghề, làng và khu dân cư văn hoá. Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, không chỉ cần sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương mà còn cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất trong làng nghề. Bởi làng nghề không chỉ là một lực lượng phát triển kinh tế, mà còn là một thành tố hình thành nên đời sống dân cư nông thôn mới.