Chủ động hơn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(NTO) Ngày 8-11, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về dạy nghề năm 2012.

Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh ta trong 10 tháng đầu năm 2012 đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh tổ chức được 74 lớp dạy nghề cho 2.287 LĐNT, đạt 56% kế hoạch năm. Trong đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội kết hợp tổ chức được 20 lớp đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, thêu tay, đính kết cườm, dệt thổ cẩm…; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức được 16 lớp dạy nghề nông nghiệp bao gồm: nuôi dê cừu, trồng măng tây, thuyền trưởng, máy trưởng…; các huyện, thành phố triển khai sử dụng nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách tỉnh năm 2012 tổ chức được 20 lớp, cho 649 lao động bao gồm các nghề: chăn nuôi - thú ý, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát tỉnh về tình hình thực hiện Đề án tại các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn và Thuận Nam cho thấy, đa số các huyện đã quan tâm thực hiện, kiện toàn Ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề; hầu hết các ngành nghề đào tạo đều phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các địa phương đều gặp khó khăn trong việc huy động học viên học nghề; do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, khả năng tiếp nhận lao động còn hạn chế nên ảnh hưởng đến giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề phân cấp quản lý các trung tâm đào tạo dạy nghề ở các địa phương; các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn trong việc thành lập mô hình trung tâm đào tạo nghề thực hiện 3 chức năng ở mỗi huyện, thành phố. Để đẩy mạnh thực hiện Đề án trong năm 2013, sẽ phân cấp cho các huyện, thành phố chủ động tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT.