Đẩy nhanh quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn

(NTO) Trong những năm qua, thực hiện Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”, chương trình này đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông cụ sản xuất, khai hoang, phục hóa đất sản xuất, xoá nhà tạm, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Khu tái định cư xã Phước Thắng (Bác Ái). Ảnh: CTV

Trong giai đoạn 2005-2010, tỉnh ta đã triển khai thực hiện 4 dự án sắp xếp, bố trí dân cư thuộc đối tượng theo Quyết định 193 cho 340 hộ dân. Trong đó: Dự án sạt lở núi Ma Nai, xã Phước Thành di dời 57 hộ dân; Dự án sạt lở bờ sông xã Phước Bình di dời 122 hộ; Dự án sạt lở bờ biển thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh di dời 96 hộ dân; Dự án sạt lở thôn Tầm Ngân 1 và Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn di dời 65 hộ dân.

Tại các khu tái định cư tập trung, cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ bao gồm đường giao thông nội vùng, hệ thống nước sinh hoạt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nhà cộng đồng, trạm biến áp và đường điện hạ thế… Đồng thời còn hỗ trợ khai hoang, phục hóa hơn 83,6ha đất sản xuất, hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/hộ để mua vật tư nông nghiệp, cây con giống phát triển sản xuất… Tổng vốn đầu tư cho các dự án trên 91 tỷ đồng. Theo đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Theo đánh giá bước đầu, các dự án triển khai đã góp phần ổn định dân cư, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trong vùng; góp phần thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đối tượng hộ cần bố trí sắp xếp lại”.

Tuy nhiên, việc triển khai trong giai đoạn này tiến hành theo diễn biến cụ thể vùng xảy ra sạt lở của từng địa bàn. Trong khi đó, khí hậu càng biến đổi, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện tượng sạt lở đất tại khu vực ven biển, sông, suối, nền đất yếu, địa hình phức tạp gây thiệt hại về người, tài sản, phá hủy ruộng, vườn, môi trường, cảnh quan ngày càng nghiêm trọng… Trước thực trạng trên, việc quy hoạch phân bố dân cư và nhu cầu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống của người dân là rất cần thiết. UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn lập “Dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2012-2015, theo quy hoạch, tỉnh ta bố trí lại cho 7.249 hộ dân, trong đó đối tượng theo Quyết định 193 là 3.379 hộ dân và 3.870 hộ dân vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, vùng đặc biệt khó khăn, nhiễm mặn và vùng triển khai dự án điện hạt nhân. Tại các điểm nằm trong vùng quy hoạch, bố trí dân cư, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ lương thực, phát triển sản xuất, khai hoang đất sản xuất... Trên cơ sở khảo sát, kết hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện KT-XH, đặc điểm dân cư của từng vùng, từng dân tộc, bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn 2012-2015. Cụ thể, bố trí ổn định tại chỗ 120 hộ; xen ghép vào các khu dân cư đã có 3.583 hộ; tập trung thành các điểm dân cư mới theo mô hình nông thôn mới 3.546 hộ. Song song với việc bố trí sắp xếp dân cư là các giải pháp quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, tổ chức thực hiện. Dự kiến nhu cầu đất ở, đất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái định cư là 564,61ha.

Người dân xã Phước Thắng sản xuất lúa nước, ổn định cuộc sống trên vùng tái định cư
Ảnh: Sơn Ngọc

Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, tại cuộc họp thông qua “Dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” vừa được UBND tỉnh tổ chức trong tháng 10-2012, đồng chí Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Với mục tiêu là chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho dân cư do tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp; tái định cư cho người dân ở những nơi có môi trường bền vững hơn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh; từng bước xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các cụm, điểm dân cư mới; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo...”

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở vùng sạt lở đất cần coi trọng công tác quy hoạch dân cư, coi đây là một nội dung quan trọng trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, gắn với quốc phòng-an ninh. Trên cơ sở quy hoạch dân cư ổn định mới có thể quy hoạch, thiết kế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, có căn cứ để huy động, bố trí các nguồn vốn hợp lý xây dựng các công trình phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp thiết của nơi ở mới và phục vụ sản xuất nâng cao đời sống, sinh hoạt.