Dịch vụ - Động lực tăng trưởng mới của châu Á

Bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, đà suy giảm kinh tế ở hai cường quốc kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo bài phân tích trên tờ Project Syndicate (Mỹ), sau nhiều năm tăng trưởng ở mức 2 con số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nhịp độ tăng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay sẽ chỉ còn 7,7% so với mức 9,3% năm ngoái. Nền kinh tế mới nổi lớn thứ hai châu Á, Ấn Độ, dù có tiềm năng tăng trưởng to lớn nhờ quy mô dân số nhưng lại đang phải vật lộn với cuộc cải cách cơ cấu. Theo dự báo của ADB, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 5,6% trong năm 2012, so với 6,5% năm 2011. Nhu cầu bên ngoài yếu là một phần lý do khiến kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, các nhân tố nội tại như lĩnh vực đầu tư giảm và nhu cầu nội địa yếu cũng là những nguyên nhân chủ yếu. Duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải xem xét lại tương lai tăng trưởng của “công xưởng châu Á”. Sự bùng nổ tăng trưởng tại "lục địa trẻ" thời gian qua được hậu thuẫn chủ yếu từ kết nối gia công liên khu vực: hàng hóa bán thành phẩm và linh kiện được tập trung về châu Á để gia công thành sản phẩm xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển. Thế nhưng, với ngân sách bị thắt chặt trên toàn cầu, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của châu Á sẽ tiếp tục giảm. Thực tế đặt câu hỏi rằng châu Á sẽ tìm động lực tăng trưởng mới nào trong tương lai?

Các chuyên gia đánh giá nâng cấp ngành dịch vụ, ví dụ như dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, du lịch và y tế, có thể đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng tương lai của châu Á. Ngành dịch vụ của lục địa này đã có quy mô khá lớn, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và việc làm. Dịch vụ đã chiếm gần một nửa GDP của các nước đang phát triển châu Á năm 2010. Điển hình, trong giai đoạn từ 2000-2010, lĩnh vực này đóng góp hơn 66% GDP của Ấn Độ và 43% GDP của Trung Quốc. Số lao động trong ngành dịch vụ cũng chiếm 1/3 tổng số việc làm ở các nước đang phát triển châu Á.

Nếu các quốc gia châu Á đi theo đúng con đường các nước phát triển đã trải qua. Sau chu kỳ tăng trưởng dựa vào lắp ráp và chế tạo, ngành dịch vụ sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Vì vậy, nhiệm vụ đưa ngành này phát triển năng động hơn sẽ rất cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, ngành dịch vụ ở châu Á mới chủ yếu tập trung ở các dịch vụ truyền thống như nhà hàng, taxi, làm đẹp… Những dịch vụ hiện đại như công nghệ kết nối Internet, các dịch vụ tài chính, pháp lý và kinh doanh chuyên ngành mới chỉ chiếm chưa đến 10% trong lĩnh vực dịch vụ, so với mức 20-25% ở các nước phát triển.

Một ngành dịch vụ phát triển sôi động có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Sự kết hợp giữa dịch vụ và công nghiệp có thể cải thiện năng suất lao động chung cho nền kinh tế. Ngành dịch vụ cũng có xu hướng hiệu quả hơn trong tạo việc làm, nhất là đối với phụ nữ. Tuy vậy, ngành dịch vụ ở châu Á còn nhiều việc phải làm để trở nên năng động và trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thiếu kỹ năng và hạ tầng thường được đề cập là những nhân tố cản trở sự sôi động của ngành dịch vụ ở châu Á. Thế nhưng, gánh nặng thủ tục hành chính mới là rào cản lớn nhất hiện nay. Quá nhiều thủ tục nhằm bảo vệ các công ty, nhóm lợi ích nội địa đã làm suy giảm tính cạnh tranh của thị trưởng, hạn chế triển vọng cải thiện năng xuất và hiệu quả của ngành.

Giới phân tích nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách châu Á cần nhìn lại lý do nào đã giúp châu Á thành công trong ngành chế tạo, lắp ráp. Đó chính là thông qua cạnh tranh. Suy luận lô gích này cần phải được áp dụng với ngành dịch vụ. Nâng cấp ngành dịch vụ sẽ rất thuận lợi cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vì nó không đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. Và để cải tổ được ngành này, các nhà lãnh đạo châu Á cần có quyết tâm chính trị cao, dẹp bỏ những nhóm lợi ích đang cản trở động lực chính cho giai đoạn phát triển tiếp theo sau mô hình quá dựa vào lắp ráp và gia công hiện nay.

Theo TTXVN