Bầu cử Mỹ 2012: Gia tăng định kiến đối với người da màu

Ngày 29-10, khi chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống mới của Mỹ, kết quả thăm dò được công bố cho biết thái độ không thiện cảm và định kiến của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ da đen có chiều hướng ngày càng tăng. Thái độ không thân thiện này cộng với tỷ lệ cử tri thuộc các nhóm sắc tộc ủng hộ hai ứng cử viên chênh lệch khá xa và một vài phát biểu của các chính khách gần đây cho thấy cuộc bầu cử năm 2012 ở Mỹ có dấu hiệu như là một cuộc đấu đá quyền lực mang tính sắc tộc.

Phóng viên TTXVN tại Oasinhtơn (Washington) dẫn kết quả thăm dò công bố ngày 29-10 của hãng tin Mỹ AP cho biết, cho dù người Mỹ đã chấp nhận bầu ông Barắc Ôbama (Barack Obama), chính khách da màu đầu tiên lên làm tổng thống Mỹ, nhưng trong 4 năm ông Ôbama cầm quyền vừa qua, sự định kiến của người Mỹ nói chung đối với người da đen không những không giảm mà lại có chiều hướng tăng mạnh. Trong số những người được hỏi ý kiến, ở thời điểm hiện tại có tới 51% người Mỹ công khai bày tỏ thái độ không ưa thích người da đen, tăng mạnh so với con số 48% trong cuộc bầu cử năm 2008. Người Mỹ thuộc đảng Cộng hòa có định kiến với người da đen hơn người Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Có tới 79% người Mỹ nhận là của đảng Cộng hòa so với 32% người Mỹ tự nhận là của đảng Dân chủ có định kiến đối với người da đen. Thái độ định kiến gia tăng này đối với người da đen có nguy cơ làm giảm tới 5% số phiếu cử tri ủng hộ ông Ôbama trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 6-11 tới.

Biểu hiện cho thấy sự kỳ thị sắc tộc vẫn nặng nề ở Mỹ đó là việc trong tuần trước, ngay sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, cựu Ngoại trưởng ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa, ông Côlin Paooen (Colin Powell) tuyên bố ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Ôbama, cựu Thống đốc Cộng hòa bang Niu Hemsiơ (New Hampshire), ông Giôn Xunnunu (John Sunnunu) lên tiếng cho rằng một lý do ông Paooen ủng hộ ông Ôbama vì cả hai người đều là da đen. Lời phát biểu của vị cựu Thống đốc này đã gây ra một làn sóng phản đối rộng rãi. Ngay cả ông Rômni, người được ông Xunnunu ủng hộ mạnh mẽ, cũng phải lên tiếng giải thích rằng phát biểu mang tính phân biệt sắc tộc trên "không phản ánh quan điểm tranh cử của ông Rômni". Một biểu hiện về sự phân biệt sắc tộc nữa trong cuộc bầu cử năm 2012 là cho tới nay có tới gần 70% cử tri da trắng ủng hộ ông Rômni trong khi có hơn 80% cử tri không thuộc da trắng ủng hộ ông Ôbama.

Theo TTXVN