Đối tượng vị thành niên phạm tội - Nỗi lo của toàn xã hội

(NTO) Tình trạng lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đang gia tăng với các nhóm tội nghiêm trọng như cướp tài sản, trộm cắp, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…gây bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê trong 9 tháng năm 2012, công an thành phố đã điều tra, khởi tố 23 đối tượng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên, nhiều em đang là học sinh THPT. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình, người thân các em mà đang là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Lực lượng Cảnh sát 113 giải quyết vụ việc về ANTT. Ảnh: Bảo Bình

Chắc hẳn nhân dân khu phố 1, phường Bảo An vẫn chưa quên vụ chém người kinh hoàng vào tối ngày 9-3-2011 do nhóm thanh- thiếu niên cùng trú tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) gây ra, trong đó có Bùi Quang Tuấn (SN 1994) đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Phạm Văn Đồng.Sự việc xảy ra với một lý do hết sức đơn giản là sau khi nhậu xong, Quang Tuấn cùng một người bạn trong nhóm tên Phương lái mô-tô sang KP1, phường Bảo An (Phan Rang-Tháp Chàm) chơi và bị một nhóm thanh niên ném đá. Phương gọi điện rủ nhóm bạn sang đánh trả lại, vậy là cả bọn 6 người với 2 mã tấu, 1 kiếm lên đường gây án. Hậu quả là anh Bùi Minh Hồng và anh Bùi Minh Bình (SN 1970) bị chém oan gây ra thương tật cho anh Hồng 29% và anh Bình 36% tạm thời. Với hành vi côn đồ trên, cả bọn đã phải chịu tổng mức án 22 năm tù giam, trong đó, Bùi Quang Tuấn phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù giam. Phiên tòa khép lại trong sự ân hận muộn màng của kẻ phạm tội và sự ngậm ngùi, đau xót của những người cha, người mẹ, bởi hơn ai hết họ đã nhận thấy một phần trách nhiệm của mình đối với bản án mà con họ phải nhận lấy.

Chúng ta đều biết trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, rất cần sự thương yêu, chở che, dạy dỗ của người lớn. Thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ và người thân, các em rất dễ bị lôi kéo vào con đường xấu và dẫn tới không kiểm soát được hành vi, gây ra những hậu quả đáng tiếc khôn lường. Chẳng hạn như trường hợp của em Phù Ban Được (SN 1996), trú tại khu phố 1, phường Đài Sơn. Mặc dù giữa em và Đào Xuân Viên (SN 1998) – học sinh Trường THCS Trần Phú không có mâu thuẫn với nhau nhưng vì nghe bạn rủ rê, nhờ trả thù giùm, Được đã không ngần ngại dùng mã tấu rượt chém Viên ngay giữa ban ngày. Cái giá em phải trả là lãnh án 4 năm tù giam.

Theo phân tích của Thượng tá Nguyễn Văn Thạnh – Phó Trưởng Công an Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, đa số đối tượng vị thành niên vi phạm pháp luật là những thiếu niên không được sự quản lý, giáo dục chặt chẽ từ gia đình, ham chơi, bỏ học giữa chừng hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, gia đình bất hòa... Đồng chí cho biết, trong quá trình điều tra án, đã chứng kiến không ít bậc phụ huynh tỏ ra ngỡ ngàng khi biết con mình phạm tội, thậm chí có trường hợp cha mẹ tỏ ra thờ ơ, phó mặc cho lực lượng công an phán quyết.

Có thể khẳng định: nguyên nhân dẫn đến phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên rất nhiều… trong đó yếu tố giáo dục, quản lý của gia đình và xã hội là một trong những nguyên nhân trọng tâm nhất. Trong thực tế hiện nay, công tác quản lý, cảm hóa giáo dục thanh- thiếu niên hư tại một số địa phương chưa được chú trọng, còn hình thức, qua loa chứ chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Bằng chứng là trong số 23 đối tượng vị thành niên bị công an khởi tố từ đầu năm đến nay thì có 5 đối tượng đã có tiền án. Đối tượng Bùi Quang Tuấn trong vụ án Cố ý gây thương tích tại phường Bảo An là một ví dụ. Trước thời điểm gây án không lâu, mặc dù đang còn là học sinh, Tuấn đã bị UBND xã Phước Hậu (Ninh Phước) áp dụng biện pháp giáo dục tại cộng đồng 6 tháng về hành vi đánh nhau gây rối vào tháng 3-2011. Hoặc như đối tượng Lê Hiệp (SN 1991), trú tại khu phố 6, phường Phủ Hà bị truy tố trong vụ trộm cắp tài sản tại nhà ông Phạm Chu Minh, số 12, đường 21 Tháng 8, phường Mỹ Hương vào tháng 6-2011 vừa qua cũng đã từng bị đưa vào trường giáo dưỡng 24 tháng về hành vi trộm cắp vặt, nhưng vẫn không ăn năn hối cải, tiếp tục phạm tội…

Là người có nhiều năm ngồi ghế hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân Tp.Phan Rang-Tháp Chàm trong các phiên tòa hình sự có bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên, ông Lê Khắc Bích, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi TP.PR-TC tâm tư: “Tình trạng vi phạm pháp luật của lứa tuổi vị thành niên hiện nay là đáng báo động, có nhiều trường hợp có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình phạm tội. Tôi cho rằng đây là lứa tuổi háo thắng, dễ bị cái xấu cám dỗ. Thế nên theo tôi hình phạt tù vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu để ngăn chặn lứa tuổi vị thành niên phạm tội. Với đối tượng này chỉ có thể làm thay đổi hành vi bằng phương pháp cảm hóa, giáo dục, mà trách nhiệm này thuộc về gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở”.

Nói về giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên, Thượng tá Nguyễn Văn Thạnh, cũng cho rằng: Bên cạnh sự nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng công an rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình với các đoàn thể ở địa phương. Sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ góp phần thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục các em tránh xa tệ nạn xã hội. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật toàn diện và phù hợp về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, để thanh- thiếu niên hiểu biết luật pháp thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Từ đó, làm chuyển biến tích cực nhận thức, đồng thời tạo ra những sân chơi lành mạnh hướng các em tới những hoạt động có ích cho gia đình, xã hội và cho chính sự phát triển của bản thân. Có như vậy mới hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên như hiện nay.