Ninh Sơn phòng, chống nạn phá rừng

(NTO) Thời gian qua, tình hình khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Với quyết tâm cao, huyện Ninh Sơn đã và đang tập trung quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống phá rừng tại địa phương.

>>Bản tin An ninh trật tự ngày 28-10-2012

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống phá rừng, ngay từ đầu năm 2012 huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, huy động các ban, ngành liên quan cùng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm triển khai tích cực và thường xuyên tổ chức truy quét dọc các tuyến đường trọng yếu; các vùng giáp ranh, trọng điểm; kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh, chế biển lâm sản; lập danh sách các đối tượng sử dụng xe “độ chế” vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện tiến hành ký cam kết và xử lý nghiêm nếu vi phạm... Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện, xử lý và tham mưu cho UBND huyện xử lý hành chính trên 290 vụ vi phạm lâm luật, tăng hơn 100 vụ so với năm trước; tịch thu gần 100 m³ gỗ các loại, trong đó có hơn 22 m³ gỗ nhóm I, thu giữ hơn 70 xe mô-tô, xe máy độ chế…thu nộp ngân sách trên 1,1 tỷ đồng.

 
Hằng trăm xe độ chế được lực lượng kiểm lâm Ninh Sơn thu giữ.

Trước sự ra quân kiên quyết, liên tục của lực lượng kiểm lâm và lực lượng kiểm tra liên ngành, việc khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép tại địa phương tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn đang là vấn đề “nóng” của địa phương. Thực tế cho thấy, số đối tượng vi phạm lâm luật vẫn có dấu hiệu ngày gia tăng và hết sức phức tạp. Theo đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, do nhu cầu sử dụng gỗ trong xã hội ngày càng nhiều, cộng với lợi nhuận thu được từ rừng khá cao, nên các đối tượng phá rừng hoạt động ngày càng tinh vi và tìm mọi cách đối phó với các lực lượng, ngành chức năng. Khi vận chuyển gỗ, các đối tượng luôn có “trinh sát” đứng dọc các tuyến đường để theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng chức năng, sau đó điện thoại báo cho nhau để né tránh. Một trong những vấn đề đáng lo nhất đó là các đối tượng sử dụng xe “độ chế” vận chuyển lâm sản, khi bị các lực lượng tuần tra phát hiện thì liều mình chống trả, chạy hết tốc độ lạng lách gây nguy hiểm cho các tổ tuần tra và người dân khi tham gia giao thông” đồng chí Trần Đức Hóa cho biết thêm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm trong tổng số các vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn Ninh Sơn thì có hơn 50% sử dụng các loại xe “độ chế” để vận chuyển lâm sản, trong đó có không ít vụ đã gây tai nạn cho người dân và các lực lượng chức năng. Cũng theo đồng chí Trần Đức Hóa thì việc quản lý xe “độ chế” là rất khó, bởi lực lượng Kiểm lâm chỉ xử lý vi phạm khi đối tượng vận chuyển lâm sản trên xe, còn các đối tượng mua xe về độ, chế lại và lưu thông trên đường thì đơn vị không thể bắt giữ. Vì vậy, để công tác quản lý thực sự có hiệu quả cần có sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Công an và nòng cốt là trách nhiệm từ phía chính quyền các địa phương.

Theo đồng chí Phan Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn thì công tác phòng, chống phá rừng đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương hiện nay. Để công tác này thực sự mang lại hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU ngày 22-8-2011 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng”. Triển khai thực hiện chỉ thị này, các lực lượng chức năng, các ban, ngành liên quan đã liên tục ra quân truy quét, tiến hành kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, thắt chặt công tác kiểm tra sử dụng xe độ chế…Qua một năm thực hiện chỉ thị, các đơn vị chức năng đã xử lý trên 310 vụ vi phạm về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; thu giữ hơn 150 m³ gỗ các loại…. Nhìn chung công tác phòng, chống phá rừng tại địa phương đã có những chuyển biến tích cực kể từ sau chỉ thị 09 của Huyện ủy; các điểm nóng về phá rừng cơ bản xóa bỏ, một số đối tượng đã có chuyển đổi ngành nghề theo hướng tích cực hơn. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục quán triệt Chỉ thị 09 sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng, ban ngành liên quan thực hiện quyết liệt hơn nữa các công tác liên quan đến phòng, chống phá rừng tại địa phương.

Để việc ngăn chặn tình trạng khai thác, vân chuyển, chế biến lâm sản trái phép thực sự hiệu quả, ngoài việc nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng, thực hiện tốt công tác chuyên môn của các đơn vị, thì huyện Ninh Sơn cần chú trọng hơn trong công tác vận động chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho người dân. Đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư mở các công ty, công xưởng tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho lao động nông thôn. Một khi người dân có công ăn việc làm ổn định, việc bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.