Trường THPT An Phước: Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

(NTO) Năm học 2009-2010, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT An Phước là 80,1%, đến năm 2010-2011 tỷ lệ này đã tăng lên 96,3% và đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011-2012 vừa qua, tỷ lệ đỗ đạt 100%. Hằng năm, trường có trên 30% học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng, đặc biệt, có nhiều em đỗ điểm cao vào các trường như: Đại học Bách khoa, Y dược, Khoa học tự nhiên, Ngân hàng…

Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên theo từng năm cho thấy sự nỗ lực cố gắng rất lớn của nhà trường trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy Trương Viết Hải, Hiệu trưởng Trường THPT An Phước cho biết: “Trong xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hàng năm, chúng tôi luôn xác định nâng cao chất lượng giáo dục là sự sống còn của nhà trường. Chủ trương của trường là đánh giá một cách chính xác trình độ của học sinh, những học sinh không đủ điều kiện lên lớp, chúng tôi kiên quyết cho ở lại không vì chạy theo thành tích mà để các em ngồi nhầm lớp”.

Giáo viên Trường THPT An Phước thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho học sinh
chủ động hơn trong học tập.

Để thực hiện chủ trương đó, Trường THPT An Phước tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy đồng bộ, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Rút kinh nghiệm khi triển khai thực hiện từ những năm học trước trong năm học 2012-2013, nhà trường tổ chức thực hiện chung đề, chung đợt đối với bài kiểm 1 tiết ở tất cả các bộ môn và đối với bài kiểm tra 15 phút cho các môn: Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh. Riêng với các kỳ thi lên lớp, kiểm tra chất lượng đầu năm, cuối học kỳ, nhà trường tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT: đề chung, ngồi theo số báo danh, bài thi rọc phách , giáo viên bộ môn không tham gia coi thi bộ môn mình phụ trách, giáo viên giảng dạy không chấm bài kiểm tra lớp mình. Việc chấm, trả bài và vào điểm được thực hiện kịp thời, có biên bản chấm bài kiểm tra đảm bảo tính công bằng, chính xác, đánh giá đúng thực chất học lực của học sinh.

Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn quán triệt rõ quan điểm: Tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lớp, cho học sinh hoạt động nhiều hơn, chủ động hơn và hướng tới mục tiêu: Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng. Thầy, cô giáo phải biết kết hợp các phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng tình huống của bài dạy, của từng đơn vị kiến thức, khai thác các ưu điểm của công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhà trường quy định, tất cả các tiết dạy thao giảng đều phải sử dụng giáo án điện tử. Các tổ, nhóm chuyên môn hàng tuần trao đổi, thống nhất những nội dung kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: phân công giáo viên giảng dạy hợp lý; tổ chức tốt các hoạt động phụ đạo cho học sinh lớp 10, 11 và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12; thực hiện dạy tiết tự chọn có hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Trường hiện có 91 cán bộ, giáo viên, tất cả đều có trình độ đạt chuẩn, có 6 cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn. Ngoài việc tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ, nhà trường cũng chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên thông qua các hoạt động giáo dục như: tổ chức tốt việc dự giờ đánh giá các tiết dạy, giáo viên không có tiết dạy phải tham gia các buổi dự giờ của đồng nghiệp, sau khi dự giờ, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm…

Năm học 2012-2013, Trường THPT An Phước có 1.400 học sinh, biên chế vào 35 lớp. Cơ sở vật chất nhà trường cơ bản đảm bảo điều kiện dạy học với 20 phòng học chính, có phòng tin học, thực hành và phòng học dành riêng cho các tiết dạy giáo án điện tử. Nói về kinh nghiệm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, thầy Trương Viết Hải, cho rằng: “Trước hết, cần đánh giá chính xác thực lực của giáo viên và học sinh. Muốn như vậy thì phải nắm vững nguyên tắc kiểm tra, đánh giá là để điều chỉnh cả hai phía: Giáo viên điều chỉnh việc giảng dạy, học sinh điều chỉnh việc học. Khi thực hiện các giải pháp đổi mới, ban giám hiệu phải có quyết tâm và kiên trì, thuyết phục và phải làm có hiệu quả để giáo viên tin và đi theo. Trước khi đưa ra kế hoạch, chủ trương mới nhà trường đều tiến hành thăm dò, đưa ra bàn bạc một cách thẳng thắn để giáo viên lựa chọn. Hạn chế tối đa việc sử dụng uy quyền để áp đặt thực hiện”.