Nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ người khuyết tật

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 55 nghìn người khuyết tật (NKT). Nhiều năm qua, thành phố đã ban hành khá nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống cho NKT như dạy nghề, tạo việc làm miễn phí; trợ giúp giảm nghèo; được vay vốn ưu đãi và thụ hưởng các nguồn trợ cấp xã hội khác.

Tuy nhiên đời sống của những NKT vẫn còn nhiều khó khăn. Trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII của tổ Ðại biểu Quốc hội Ðơn vị 7 được tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP Hồ Chí Minh ngày 12-10, một cử tri ở quận 8 bức xúc: "Hiện nay mức trợ cấp cho chúng tôi chỉ dao động từ 180 nghìn đến 240 nghìn đồng/tháng, tính bình quân ra thì mỗi ngày chỉ từ 6 nghìn đồng đến 8 nghìn đồng, không đủ mua một ổ bánh mì ăn lót dạ chứ nói gì có thể sinh sống". Một cử tri khác ở quận Thủ Ðức thì kiến nghị: "Thành phố nên có chính sách hỗ trợ chúng tôi trong tìm kiếm công ăn việc làm. Ngoài ra, bản thân người khuyết tật chúng tôi nhiều khi rất cần được vay vốn để làm ăn song hiện nay phải thế chấp tài sản mới được vay. Chúng tôi chỉ có cái xe ba bánh hay xe lăn thì làm gì có tài sản để thế chấp? Rốt cuộc dù không muốn nhưng chúng tôi cũng phải đi xin ăn qua ngày". Trong khi đó, theo thông tin từ Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi thành phố thì, từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động hơn 10 tỷ đồng để chăm lo cho NKT và trẻ mồ côi. Theo đó, Hội đã tổ chức mở hàng chục lớp dạy nghề tin học, điện gia dụng, sửa điện thoại di động, thêu tay, tranh ghép gỗ... Ngoài ra, Hội còn cung cấp các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng giúp đỡ NKT; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 1.000 lượt đối tượng, xây dựng nhà tình thương cho các gia đình khuyết tật, tặng quà cho hơn 3.900 lượt người... Ðể hỗ trợ NKT đi lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Sở Giao thông vận tải cấp hơn 10 nghìn thẻ xe buýt miễn phí cho NKT. Giai đoạn 2006-2010, thành phố đã dành 221 tỷ đồng cho các hoạt động thuộc Ðề án hỗ trợ NKT... Như vậy, có thể nói thành phố và các cơ quan chức năng đã dành không ít tiền của, công sức để hỗ trợ đời sống cho những NKT, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Vì thế thành phố và các cơ quan chức năng cần phải rà soát, nghiên cứu và xem xét kỹ để có giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ NKT.

Có một thực tế là, dù đã được đào tạo nghề nhưng NKT chủ yếu vẫn phải tự kiếm việc làm để tồn tại. Bên cạnh đó, NKT còn bị phân biệt đối xử, chưa được ưu tiên trong quá trình tiếp cận những việc phù hợp với họ. Nếu NKT và người bình thường có thể làm tốt một công việc nào đó thì khả năng NKT được nhận vào làm luôn thấp hơn. Các doanh nghiệp thường đưa ra lý do, Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc của NKT không được vượt quá 7 giờ/ngày hoặc 42 giờ/tuần nên không thể bố trí cho họ làm việc theo ca 8 giờ/ngày. Vì thế, phần lớn những NKT có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của NKT cũng tương đối thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo việc làm cho NKT chưa thật sự cao, đó là chưa kể việc dạy nghề cho họ cũng có cái khó bởi mỗi NKT bị một tật khác nhau, trình độ tiếp thu không giống nhau, và xu hướng học nghề cũng khác nhau. Do đó, việc hướng nghiệp và dạy nghề cho NKT cần phải chú ý tới tam giác "đào tạo - việc làm - thu nhập" theo hướng hỗ trợ cho đơn vị giúp NKT học nghề rồi giữ họ lại làm việc. Ðây là hướng đi có hiệu quả nhất.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố thì số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm hằng năm tại thành phố trung bình có trên 15 nghìn người. Bình quân mỗi năm thành phố thu hút hơn 280 nghìn chỗ làm việc (trong đó 120 nghìn chỗ làm việc mới). Những nhóm ngành nghề có thể sử dụng nhiều người khuyết tật là công nghệ, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ... Nếu thực hiện đúng luật, doanh nghiệp sử dụng 2% số chỗ làm cho người khuyết tật, mỗi năm thu hút khoảng 5.000 - 6.000 người. Nhà nước cũng chưa có chế tài, chưa có cơ quan nào được phân công giám sát các cơ quan hành chính, doanh nghiệp thực hiện quy định này. Ðây cũng là nguyên nhân khiến người khuyết tật ít có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề và tạo việc cho người khuyết tật còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề vừa yếu, vừa thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho đối tượng. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Ðội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT còn yếu cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp. Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi khâu tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Ðó chính là những rào cản khiến cho các chương trình, đề án hỗ trợ đời sống, việc làm cho NKT thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ được những rào cản, vướng mắc đó thì mới có thể giúp NKT có công việc và thu nhập để ổn định cuộc sống.

Nguồn Báo Nhân Dân