Muối ăn và tăng huyết áp

(NTO) Muối ăn cụ thể là muối Natri Clorua (NaCl). Natri là thành phần quan trọng trong cơ thể, có chức năng duy trì áp lực thẩm thấu nội tế bào, góp phần tạo ra dòng điện sinh học, cân bằng kiềm – toan trong cơ thể, tạo áp suất thẩm thấu trong lòng mạch máu để duy trì áp lực máu còn gọi là huyết áp.

Nếu trong chế độ ăn thiếu muối nhiều sẽ gây phù, nhược cơ, tụt huyết áp và có thể tử vong. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều muối, lượng Natri tích trữ lại trong cơ thể làm giữ nước và tăng huyết áp; lượng muối hấp thụ vào càng nhiều, thì lượng Natri tích lũy trong cơ thể càng cao thì huyết áp sẽ càng tăng cao. Ở nước ta xuất phát từ nền kinh tế, đời sống còn khó khăn trong một thời gian dài, đã hình thành thói quen sử dụng khá nhiều muối trong ẩm thực, trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Khi bữa ăn còn nhiều cơm khoai nhưng thiếu thịt, cá thì việc sử dụng các món mặn như kho, mắm mặn, các loại dưa muối, thịt muối, cá khô muối, trứng muối… để ăn cho được cơm là điều tự nhiên trong thực tế. Quan niệm “ăn mặn cho chắc người” không biết hình thành từ bao giờ cũng nói lên thói quen ăn mặn của dân ta. Phụ nữ sau khi sinh trong tháng đầu được khuyên dùng cơm với mắm kho tiêu cho chắc dạ. Trẻ sơ sinh chưa có thói quen dùng muối, trẻ tiếp xúc với muối khi bắt đầu ăn dặm, nên thức ăn của trẻ tùy thuộc vào khẩu vị của người nấu, nếu người mẹ quen ăn quá mặn với mắm kho tiêu nấu thức ăn cho trẻ ăn thì trẻ đó cũng sẽ có thói quen ăn mặn sau này. Thói quen ăn mặn (nhiều muối) có nguy cơ làm tăng huyết áp về sau.

Những thức ăn thường chứa nhiều muối phổ biến ở ta như:

- Các loại mắm như: mắm nước, mắm nêm, mắm cua (cáy), mắm mực, mắm rò; mắm ruốc, mắm rươi; mắm thu, mắm lóc, mắm sặc, mắm thái,…

- Các món dưa muối: cải, cà, dưa, củ cải, và các món muối chua khác;

- Các loại cá khô, cá muối, thịt muối, thịt bỏ mắm, trứng muối;

- Những thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói có chứa lượng muối khá cao.

Khoa học đã chứng minh những dân tộc ăn ít muối thì tỉ lệ người mắc tăng huyết áp trong cộng đồng thấp hơn dân tộc có thói quen ăn nhiều muối. Quan niệm Tăng huyết áp là bệnh của người nhà giàu thật ra là không đúng vì qua nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở nhóm người nghèo cao hơn nhóm người giàu và nhóm người có học vấn.

Vì vậy chúng ta nên tập thói quen ăn giảm muối dần và hướng dẫn trẻ em hạn chế ăn mặn để giảm nguy cơ tăng huyết áp sau này.

Cách hạn chế muối trong thực phẩm:

Nên ăn thức ăn chế biến tự nhiên;

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói…

Các loại mắm và thực phẩm chứa nhiều muối nêu trên cần ăn thật ít, không nên ngon miệng mà “lấy tới”.

Tự mình tập giảm bớt dần lượng mắm, muối dùng hàng ngày, càng ít muối càng tốt để đạt lượng muối ăn vào không quá 6 gam muối ăn (một muỗng cà phê gạt)/ ngày. Nên nhớ trong thực phẩm tự nhiên cũng đã có chứa sẵn một phần Natri.

Những người đã có tăng huyết áp thì việc giảm muối góp phần hữu hiệu trong điều trị tăng huyết áp, giảm lượng muối tiêu thụ còn 6 g/ ngày sẽ làm giảm 2-8mmHg, đặc biệt là người già, người suy thận thì càng cần giảm lượng muối ăn càng ít càng tốt.