"Nghệ sĩ nghiệp d­ư" Chăm với lễ hội Ka-tê

(NTO) Họ là những nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng có năng khiếu đàn hát. Mùa lễ hội đến, gác lại công việc đồng áng, bước lên sân khấu nghiệp dư mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con, du khách.

Gặp Châu Minh Tùng khi anh vừa tập xong tiết mục “Làng gốm quê tôi” ở phòng tập của Đoàn Nghệ thuật Dân gian Chăm (Đoàn NTDGC). Tùng ở xã Phước Thái (Ninh Phước) đam mê nghệ thuật khi còn nhỏ. Tùng “bén duyên” với nghiệp ca hát trong một lần Đoàn NTDGC về biểu diễn phục vụ bà con địa phương. Biết anh có chất giọng mượt mà, nên bạn bè khuyến khích lên sân khấu góp vui bằng một bài dân ca Chăm. Từ đó, chàng trai này tự nhiên “ghiền hát”, không ít lần “rong ruổi” theo Đoàn NTDGC đi ca hát từ làng này sang làng khác mà chẳng màng tới tiền thù lao. Vì đam mê nghệ thuật, anh quên cả chuyện lập gia đình, nhiều lần cha mẹ nhắc nhỏ, Tùng cứ “ầm ừ” làm ngơ. Thế rồi “nghiệp ca hát” cũng không phụ công anh, mới đây anh được nhận vào Đoàn NTDGC.

Đội múa nghiệp dư Chăm biểu diễn tại lễ hội Ka-tê ở tháp Po Klong Giarai

Đàng Sinh Khả Ái, sinh ra ở Làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) nhận ra mình đam mê âm nhạc khi tham gia đội văn nghệ hồi còn đi học. Lúc đó, chị được các anh ở Đoàn NTDGC hướng dẫn các bước cơ bản khi hát và múa quạt trên sân khấu. Chị, thổ lộ: “Dù có chút năng khiếu nghệ thuật, nhưng lần đầu đứng trên sân khấu tay chân tôi cứ “lập cập”, đến khi nhìn thấy khán giả háo hức xem, vỗ tay cổ vũ, tôi lấy lại được bình tĩnh, uyển chuyển theo điệu múa của bài hát”. Dần dần, lòng đam mê nghệ thuật ăn sâu vào tâm trí, chị thường xuyên xuất hiện tại những buổi văn nghệ do địa phương tổ chức trong các dịp lễ hội. Hiện nay, dù đã có gia đình, phải lo toan chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, thế nhưng vào mùa lễ hội Ka-tê, chị vẫn nhờ chồng chăm sóc con để cùng với đội văn nghệ tập luyện. Nghe chị kể tối 15-10 tới, chị sẽ bước lên “sân khấu làng” biểu diễn liền 3 tiết mục, chúng tôi hiểu niềm đam mê nghê thuật trong chị chưa hề phai nhạt.

Không riêng gì lớp trẻ, mà ngay như anh Nguyễn Văn Lũy (ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, Thuận Bắc), năm nay đã bước sang tuổi 54 nhưng vẫn thích được đứng trên sân khấu để thỏa niềm đam mê. Anh Lũy, tâm sự: Tôi vinh dự được Đoàn NTDGC mời tham gia biểu diễn trong đêm khai mạc “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012”. Vai trò của tôi là kéo đàn Kanhi có đội múa phụ họa. Gần một tuần nay, tôi động viên vợ nhờ người làm đất, gieo sạ vụ mùa để lên TP. Phan Rang - Tháp Chàm tập luyện chung cùng cả đoàn.

Nghệ sĩ nghiệp dư cao tuổi Chăm say sưa trong tiếng trống Ghi năng, kèn Saranai

Anh Đàng Năng Đức, Phó Trưởng Đoàn NTDGC, cho biết: “Trong đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012, có chương trình ca nhạc tổng hợp, gồm các thể loại: dân ca, dân vũ, nhạc… với sự tham gia biểu diễn của khoảng 60 diễn viên. Chủ trương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là khuyến khích sự tham gia của nghệ sỹ nghiệp dư để phát huy những nhân tố mới. Do đó, chương trình có sự tham gia của khoảng 30 nghệ sỹ nghiệp dư đến từ các đội văn nghệ ở Làng gốm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp, Hữu Đức…

Có thể nói, phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng trong cộng đồng người Chăm phát triển rộng khắp. Hiện nay, tất cả làng Chăm trên toàn tỉnh đều thành lập được đội văn nghệ biểu diễn, phục vụ các ngày lễ hội. Trong đó, nổi lên hai đội văn nghệ ở làng nghề: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Gốm Bàu Trúc. Nhờ được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hai đội đã trang bị mới các loại nhạc cụ, giàn âm thanh, ánh sáng hiện đại, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài biểu diễn phục vụ nhân dịp lễ hội, các đội còn biểu diễn phục vụ khách có nhu cầu mỗi khi đến tham quan làng nghề.

Lễ hội Ka-tê năm nay, nằm trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Dụ lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm, Ninh Thuận 2012”, cho nên các đội chuẩn bị rất chu đáo. Gần một tuần nay, tất cả thành viên trong đội có mặt đầy đủ ở Nhà văn hóa để tập luyện. Anh Phú Văn Ngòi, Trưởng BQL, kiêm đội trưởng Đội văn nghệ Mỹ Nghiệp, cho biết: “Toàn Đội đã tập luyện nhuần nhuyễn 26 tiết mục, đang sẵn sàng biểu diễn phục vụ bà con và khách tham quan trong những ngày lễ hội Ka-tê tới”.

Anh Đàng Năng Đức, nhìn nhận: Niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sỹ nghiệp dư góp phần vào gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, đồng thời, có đóng góp cho sự thành công của lễ hội Ka-tê.