Rộn ràng tiếng trống ghi năng

(NTO) Đến làng Chăm Mỹ Nghiệp, chúng tôi ấn tượng với tiếng trống ghi năng hòa tiếng kèn saranai rộn ràng ngân vang. Tiếng trống thúc giục lòng người nô nức đón mừng lễ hội Ka tê gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm- Ninh Thuận 2012. Các nghệ nhân Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ Chăm Mỹ Nghiệp nỗ lực luyện tập chuẩn bị phục vụ mùa lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay diễn ra tại địa phương.

Tại nhà trưng bày thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các nhạc công mặc trang phục truyền thống “chỉnh tề” đội ngũ trong dàn nhạc dân tộc Chăm. Các điệu trống mừng khai hội, cúng thần làng, đón khách, múa quạt, giã bạn được các nghệ nhân biểu diễn thành thục gắn kết “lời ăn tiếng nói” giữa nhạc cụ ghi năng, baranưng với kèn saranai vang vọng khắp làng. Trao đổi với anh Lưu Ngọc Dỉnh 50 tuổi, Phó trưởng Ban quản lý khu phố kiêm phó chủ nhiệm CLB nhạc cụ Chăm Mỹ Nghiệp, chúng tôi được biết CLB thành lập vào tháng 8 năm 2010. CLB có 24 thành viên, từ 30 đến 50 tuổi, tự nguyện gắn kết chung tay xây dựng CLB ngày càng phát triển. Các thành viên CLB đóng góp vốn liếng mua sắm nhạc cụ truyền dạy cách thức biểu diễn. Các nghệ nhân cao tuổi như Thiên Sanh Dốc, Dương Tấn Tự, Đàng Biểu, Lộ Phú Bao dốc lòng hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm cho học viên trẻ. Qua hơn hai năm gắn bó với CLB, các anh Lưu Ngọc Dỉnh, La Văn Toàn, Trương Mộng Lân, Thạch Ngọc Hương trở thành nhạc công biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ dân gian Chăm. CLB đảm nhận phần nhạc lễ trong các hoạt động đón mừng lễ hội Ka tê, cúng thần làng, đám cúng gia đình theo tín ngưỡng Bàlamôn, phục vụ du khách đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.

Các thành viên CLB nhạc cụ Chăm Mỹ Nghiệp luyện tập phục vụ lễ hội Ka tê 2012.

Trong kỳ nghỉ hè năm nay, CLB tổ chức lớp truyền dạy biểu diễn trống ghi năng cho học sinh 13-15 tuổi yêu thích nhạc cụ dân tộc Chăm. Trong thời gian 1 tháng, các em làm quen với nhạc vụ và hiểu biết căn bản nhịp điệu trống ghi năng. Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở bài bản nên người thầy truyền dạy cho học trò thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương. Nhạc Chăm gồm có bốn thang âm chính là lèn, tịt, tìn, tớ được ký hiệu theo dấu tròn, dấu chấm, thanh sổ đứng và thanh ngang. Học trò theo “ký hiệu” của ông thầy để luyện tập thành thục các bài nhạc lễ dân gian Chăm. Anh Phú Minh Tâm 58 tuổi thành viên CLB nhạc cụ Chăm Mỹ Nghiệp ngừng tay trống chia sẻ: ”Anh em tui rất vui vì được tham gia biểu diễn nhạc cụ phục vụ lễ hội Ka tê gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm- Ninh Thuận 2012. Tại làng Mỹ Nghiệp diễn ra các hoạt động thi đội nước, đẩy gậy, kéo co thu hút đông đảo vận động viên và du khách trong cả nước đến tham quan. Tôi động viên, anh em CLB nỗ lực luyện tập biểu diễn hết mình góp phần cho sự thành công của lễ hội”.