Trường THCS Phan Đình Phùng: Sau 4 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

(NTO) Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (phong trào) được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhằm tạo môi trường giáo dục tốt, thu hút học sinh vào các hoạt động xã hội, chủ động sáng tạo trong học tập… Sau 4 năm thực hiện phong trào, trường THCS Phan Đình Phùng, ở xã Phước Hải (Ninh Phước) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thầy Quảng Đại Thính, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Phong trào có 5 nội dung chính: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc di tích lịch sử văn hóa ở địa phương. Với các nội dung có tính chất toàn diện như vậy, để thực hiện phong trào đạt kết quả đòi hỏi phải có sự “chung tay” giữa gia đình, trường học và xã hội. Trong khi đó, trường đóng trên địa bàn xã bãi ngang, thuộc diện khó khăn nên việc huy động sức dân đóng góp xây trường “thân thiện” gặp nhiều trở ngại. Trước thực tế như vậy, quá trình thực hiện phong trào nhà trường chú trọng huy động sức mạnh của tập thể cán bộ, giáo viên; đồng thời tranh thủ các chương trình, dự án.

 
Thầy và trò Trường THCS Phan Đình Phùng luôn phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Anh hướng dẫn học sinh học tốt môn Văn. Ảnh: Văn Miên

Ngay từ năm học 2008-2009 (năm học đầu tiên thực hiện phong trào) nhà trường đã phát động thi đua xây dựng “Trường em xanh, lớp em sạch, bạn bè thân thiện” trong tất cả giáo viên, học sinh. Đồng thời, thông qua tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, nhà trường vận động những nhà hảo tâm đóng góp để sắm sửa trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng dạy học, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Các hoạt động trên được duy trì đều đặn qua từng năm học. Kết quả mang lại là, sau 4 năm tập thể chi bộ, công đoàn, cán bộ, giáo viên nhà trường tự nguyện đóng góp số tiền gần 4 triệu đồng mua hàng trăm cây xanh trồng xung quanh trường và trang trí các phòng học. Nhiều giáo viên gương mẫu đã tặng nhà trường các chậu cây cảnh đặt trước lớp học để tạo môi trường “thân thiện”. Phong trào xây dựng trường học xanh, sạch ngày càng thu hút nhiều người tham gia, không ít học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh tự nguyện đến trường chăm sóc cây xanh.

Năm học 2011-2012, Ban Giám hiệu nhà trường có sáng kiến tổ chức gặp mặt các cựu học sinh với chủ đề “Ngày về tựu trường” đạt kết quả to lớn. Thông qua buổi gặp mặt, các cựu học sinh đã hỗ trợ nhà trường số tiền 42 triệu đồng để tổ chức các hoạt động phong trào, xây dựng quỹ “Tiếp đuốc đến trường”.

Cùng với đó, nhà trường cũng đã tranh thủ các chương trình, dự án nâng cấp trường lớp, sắm sửa thiết bị dạy học. Cụ thể như: Từ hỗ trợ của Dự án “Giáo dục hòa nhập”, nhà trường đầu tư cải tạo, sửa chữa phòng học và khu sinh hoạt cho các em khuyết tật với tổng kinh phí 20.000 USD. Công ty Thời báo Sài Gòn hỗ trợ 20 máy vi tính. Dự án giảm nghèo huyện Ninh Phước hỗ trợ tổ chức các buổi học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, cùng với các hoạt động nâng cao kiến thức cho học sinh như thi tìm hiểu về Đoàn, Đội. Nhà trường cũng đã thành lập được các CLB “Đôi bạn cùng tiến” giúp đỡ nhau trong học tập, CLB “Phóng viên nhỏ’ đi vào hoạt động hiệu quả.

Thầy Quảng Đại Thính, cho biết thêm: Năm học 2012-2013 bên cạnh đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực như phát động phong trào “Học sinh tích cực” ở đều các khối, lớp, tạo nên khí thế thi đua học tập sôi nổi. Thành lập thêm các CLB “Đôi bạn cùng tiến”, CLB “Phóng viên nhỏ”; tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sáng kiến cha, mẹ học sinh”, chương trình “Thắp sáng ước mơ”; nhân rộng gương học tập, rèn luyện tốt, vượt khó học giỏi, tích cực trong các hoạt động phong trào…

Nhìn lại 4 năm thực hiện phong trào ở trường THCS Phan Đình Phùng để thấy: Muốn thực hiện có hiệu quả phong trào đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ, trong đó người đứng đầu phải phát huy tính tiên phong gương mẫu. Vì phong trào có tính chất xã hội rộng rãi nên cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng tình ủng hộ cao của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Phong trào có các yêu cầu và nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên phải căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường để xác định ưu tiên các nội dung thực hiện qua từng năm học.