Tấm lòng của giáo viên Trường Tiểu học Phước Tân B

(NTO) Trường TH Phước Tân B, nằm trên địa bàn thôn Ma Lâm - thôn xa nhất xã Phước Tân (Bác Ái). Tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn đến 70%, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, vì vậy công tác giảng dạy cũng như vận động học sinh ra lớp là cả vấn đề rất lớn đối với nhà trường.

Toàn trường có 5 lớp với trên 100 học sinh, 14 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 6 giáo viên dạy giỏi cấp trường. Để đảm bảo chất lượng giáo dục không chỉ cần đến chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần rất nhiều nhiệt huyết của thầy, cô giáo ở đây.

Cô giáo Trường TH Phước Tân B rèn chữ viết cho học sinh.

Từ khó khăn đến tấm lòng…

Đa số giáo viên trong trường không phải là người địa phương, có người ở Phan Rang-Tháp Chàm, có người từ Sông Pha (Ninh Sơn), đường đi còn khó khăn nhưng hầu hết các thầy, cô giáo đều cố gắng khắc phục để lên lớp đúng giờ. Như cô Phạm Thị Phú Hà, giáo viên nhạc họa, đã công tác tại trường được 4 năm, nhà ở Phan Rang-Tháp Chàm nhưng ngày nào cô cũng cố gắng dậy thật sớm, đi xe bus lên ngã 3 Ninh Bình rồi mới chạy xe máy vào trường. Cô Nguyễn Thị Chuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nói về khó khăn của các thầy, cô giáo ở đây thì kể mãi cũng không hết, nhưng quý là ở tấm lòng đối với học trò. Những thầy, cô giáo ở lại được với trường là những người thực sự tâm huyết. Ở trường, các thầy, cô giáo vẫn thường đùa nhau rằng “đi dạy mà cứ như đi rừng”!

Khó khăn nhất đối với những giáo viên vùng cao này không phải là khoảng cách địa lý mà chính là việc vận động học sinh ra lớp. Vì theo cách nghĩ:”Cái chữ không làm no cái bụng”, nên học sinh ở đây thường nghỉ học theo gia đình lên rẫy, nhất là vào tháng 9 hằng năm khi đến mùa măng và nấm linh chi, vì hai loại thực phẩm này cho thu nhập cao. Thầy, cô giáo phải đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Nhà các em ở khá xa trường, phải đi lúc sáng sớm hoặc chiều muộn thì mới gặp được phụ huynh vì họ còn bận đi rẫy, có nhà còn phải đi bộ cả một ngày đường mới tới. Với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” bao nhiêu khó khăn ấy cũng không làm chùn bước những nhà giáo đã mang trong mình lòng nhiệt huyết “cõng chữ lên non” cho các em.

Ở đây cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hầu như không có thời gian chăm sóc cho con cái, các em đi học còn thiếu quần áo, ăn đói mà đường đến trường xa hơn 5km đường rừng. Cô Chuyên kể, mấy năm trước có một vài học sinh lớp 4 nghỉ học, mấy ngày không thấy các em lên lớp, giáo viên chủ nhiệm là thầy giáo Nguyễn Quang Trung đã lên tận nhà vận động và biết được lý do là em không có quần áo đến lớp. Thầy bàn với Thầy Trương Minh Nhật vận động người quen ở tận trong TP. Hồ Chí Minh quyên góp quần áo cũ về để cho các em, nhờ vậy mà học sinh bỏ học được hạn chế, tình thầy trò ngày càng thêm gắn kết.

Tất cả vì học sinh thân yêu

Học sinh ở Trường TH Phước Tân B đều là con em dân tộc Raglai. Do địa bàn thôn nằm biệt lập với xã nên hầu như các em ít có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài nên rất nhút nhát, thụ động, tiếp thu bài chậm. Để học sinh theo kịp chương trình đúng quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thách thức không nhỏ đối với nhà trường. Trường có 5 lớp nhưng chỉ có 4 phòng học, vì vậy việc thực hiện chương trình dạy 2 buổi/ ngày gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, vào mùa mưa, buổi chiều thường xảy ra mưa lớn, nước suối lên nhanh nếu không về kịp thì các em không thể về nhà. Từ thực tế trên, nhà trường đã chuyển bếp ăn bán trú (do đội thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh làm trong đợt hè vừa rồi) làm lớp học cho học sinh lớp 4 để đảm bảo chất lượng bài giảng trên lớp.

Khắc phục tình trạng học sinh nhịn đói đến trường, trong năm học qua nhà trường đã bàn với phụ huynh học sinh, giáo viên quyên góp, tạm ứng quỹ nhà trường hay mua thiếu ở cửa hàng, lo bữa ăn nhẹ cho học sinh. Hằng năm, nhà trường đều trích khoản tiền hỗ trợ đồ dùng học tập của học sinh để may quần áo mới cho học sinh đến trường (3 bộ/ học sinh). Năm học này, nhà trường đang có đề xuất với lãnh đạo xã hỗ trợ may đồng phục truyền thống cho các em. Các thầy, cô giáo còn đang ấp ủ ước mơ xây thư viện xanh để các em có nơi sinh hoạt, đọc sách trong những giờ sinh hoạt ngoài trời và có thể lo cho các em một bữa ăn nhẹ trong ngày để các em có sức khỏe học tập.

Bằng những nỗ lực, tâm huyết của thầy, cô giáo, trong năm học 2011-2012, Trường TH Phước Tân B đạt tỷ lệ học sinh lên lớp 88,7%, việc duy trì sĩ số đạt 100%, tỷ lệ học sinh đúng độ tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm học mới này nhà trường tiếp tục phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.