Bác Ái chú trọng phát triển chăn nuôi

(NTO) Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Bác Ái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn huyện Bác Ái hiện có trên 23.000 con gia súc, trong đó có trên 14.000 con bò, trên 1.700 con dê, cừu, khoảng 800 con trâu. Ngoài ra, trên địa bàn còn có trên 25.000 con gia cầm, chủ yếu là gà. Đối với mỗi loại gia súc, gia cầm, huyện đều đề ra lộ trình phát triển trên cơ sở điều kiện tự nhiên của địa phương và từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi để phát triển bền vững, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định.

Huyện Bác Ái khuyến khích chăn nuôi theo mô hình trang trại.

Tuy nhiên, dù được xác định là một thế mạnh kinh tế nhưng thực trạng ngành chăn nuôi tại Bác Ái còn khá lạc hậu. Ngoài năng suất thấp, con giống kém chất lượng do thoái hóa và trùng huyết, việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng cỏ tự nhiên cũng là một yếu tố gây nhiều bất lợi cho chăn nuôi. Hằng năm, cứ vào mùa khô, lượng cỏ tự nhiên trên các đồi núi không đủ cung cấp cho gia súc, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chất lượng đàn giảm sút. Trong khi đó, vào mùa mưa, lượng cỏ tuy nhiều nhưng yếu tố vệ sinh không đảm bảo, gia súc dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, tả, giun sán,…

Đối với đàn bò, để đạt được mục tiêu 22.500 con vào năm 2020, các giải pháp về giống, thức ăn và hình thức nuôi đã được xây dựng và triển khai bước đầu. Hiện tại, có khoảng 1.000 con bò nằm trong các dự án, mô hình tại địa phương. Việc thay đổi tập quán chăn thả bằng cách hướng dẫn người dân làm chuồng trại, trồng cỏ dưới tán rừng để tạo nguồn thức ăn ổn định, giàu dinh dưỡng đang được chú trọng. Là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ sinh trưởng, trọng lượng và thể trạng vật nuôi, khâu tuyển chọn giống cũng được nghiên cứu, thử nghiệm mức độ phù hợp với đặc điểm tự nhiên tại địa phương.

Riêng đối với heo có số lượng lớn trên địa bàn, được chia thành hai loại là heo địa phương và heo trắng. Hiện tại, toàn huyện có 8 trang trại chăn nuôi heo tập trung, quy mô từ 500 – 1.000 con. Việc nuôi tập trung theo mô hình trang trại phù hợp với chủ trương của huyện và rất được khuyến khích. Hình thức nuôi này đảm bảo quy trình thú y khá nghiêm ngặt. Bà Hoàng Thị Song Hương, chủ một trang trại heo 500 con tại xã Phước Tiến cho biết: “Gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, hợp đồng chăn nuôi với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam nên từ con giống, vật tư, các quy trình chăm sóc và thú y đều có các chuyên gia hướng dẫn. Nuôi heo theo hình thức này cũng tương đối dễ làm” . Theo tính toán sơ bộ, cứ 5 tháng xuất chuồng một lần, lợi nhuận từ trang trại của bà Hương là khoảng 100 triệu đồng.

“Song song với việc “nạc hóa” đàn heo trắng tại các chuồng trại, việc phát triển thương hiệu heo núi Bác Ái được ngành Nông nghiệp huyện nhà hết sức coi trọng. Đây là giống heo địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh và rất được thị trường ưa thích nên huyện đã đăng ký thương hiệu sản phẩm Heo núi Bác Ái. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu, bình tuyển, chọn giống tốt để phát triển đàn heo này, giữ quy mô từ 5.000 – 10.000 con/năm”, ông Hán Văn Duy, chuyên viên phụ trách chăn nuôi – thú y, phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Bác Ái cho biết. Tuy nhiên, tập quán nuôi heo thả rông của bà con Raglai nơi đây gây không ít khó khăn cho công tác thú y và ảnh hưởng đến môi trường sống. Thay đổi tập quán này sẽ là một thử thách lớn đối với ngành chăn nuôi Bác Ái trong tiến trình duy trì và phát triển bền vững đàn heo trên toàn huyện lên 30.000 con vào năm 2020.

Dù số lượng tương đối ít so với các loại gia súc khác, nhưng dê, cừu ở Bác Ái lại rất thích hợp với điều kiện khí hậu, địa hình hai xã Phước Trung và Phước Tiến. Do vậy, theo định hướng, địa phương sẽ duy trì và phát triển, trong đó tập trung nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của loại vật nuôi này, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

100.000 con gia cầm là con số mà huyện Bác Ái đặt ra cho năm 2020. Tuy nhiên, muốn đạt được con số này, việc xây dựng một lộ trình phát triển hợp lý là điều cần thiết. Hiện tại, khó khăn nhất trong chăn nuôi gà là công tác quản lý về thú y. Gà nuôi khá phổ biến, nhưng thiếu tính tập trung, chủ yếu thả vườn ở hộ gia đình. Do đó, khi có dịch bệnh, việc lây lan nhanh là khó tránh khỏi. Công tác tiêm phòng và xử lý sau bệnh vì thế cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương cũng đã mạnh dạn đăng ký thương hiệu Gà rẫy Bác Ái. Đây có thể sẽ là một yếu tố quan trọng để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi.

Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể đối với từng loại vật nuôi trên địa bàn, “chiếc chìa khóa” chăn nuôi sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Bác Ái tương lai. Sử dụng “chiếc chìa khóa” ấy như thế nào mới là bài toán khó, cần có sự chung tay phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, nhân dân trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp.