UBND tỉnh Ninh Thuận: Hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

(NTO) Ngày 18-9, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đỗ Hữu Nghị, Võ Đại; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố, Ban quản lý các dự án của tỉnh và lãnh đạo UBND 26 xã, phường trọng điểm của tỉnh.

Những năm qua, tỉnh ta luôn chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với thực tế. Nhờ đó, nhiều công trình, dự án của tỉnh đã hoàn thành đúng theo tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, các địa phương và đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai công tác BTGPMB với tổng diện tích trên 5.200 ha, để thực hiện 155 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông thủy lợi, công nghiệp, du lịch... Trong đó, số diện tích đã được bàn giao mặt bằng trên 3.200 ha, với tổng số tiền đã chi trả trên 894,3 tỷ đồng.

 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Duy Anh

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai ở các địa phương, cho thấy khó khăn nhất về công tác BTGPMB hiện nay của tỉnh ta là việc xác định giá đất ở trung bình để tính hỗ trợ đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư nông thôn hiện còn nhiều bất cập. Việc thiết lập hồ sơ địa chính chưa được hoàn thiện, cập nhật, chỉnh lý kịp thời. Ở một số địa phương, cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thay đổi theo nhiệm kỳ và kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa nắm chắc tình hình sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn mình quản lý, dẫn đến tình trạng quy chủ sử dụng đất chưa chính xác. Công tác chuẩn bị các điều kiện giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là quỹ nhà, đất tái định cư và kinh phí giải phóng mặt bằng còn chưa kịp thời...

 
Các đại biểu phát biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Để chủ động tháo gỡ khó khăn và tìm ra giải pháp thiết thực trong công tác BTGPMB, Hội nghị đã dành thời gian để nghe lãnh đạo các ngành, địa phương thảo luận, trình bày kinh nghiệm, đối thoại trực tiếp về những vướng mắc trong thực hiện BTGPMB. Đồng thời chia sẻ, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi cho dân như: Ưu tiên giải quyết việc làm; hỗ trợ, bố trí tái định cư; tổ chức sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho những hộ dân bị thu hồi đất...

 
Khu tái định cư xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất chưa sử dụng, tránh tình trạng lấn chiếm đất công để đòi bồi thường khi có dự án đầu tư. Nhanh chóng kiện toàn bộ máy làm công tác BTGPMB ở các cấp, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng hình thành các dự án treo, để đất hoang, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc trong nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình vi phạm, làm sai chủ trương, quy định của Nhà nước, của tỉnh, để hạn chế việc chủ đầu tư chỉ chạy theo lợi ích kinh doanh đơn thuần, không quan tâm đến nghĩa vụ xây nhà tái định cư, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh. Trong quá trình thực hiện BTGPMB cần đảm bảo tính dân chủ, công khai, quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, cũng như có chính sách hỗ trợ, chia sẻ kịp thời các khó khăn đối với những trường hợp nằm trong diện di dời có tâm tư, nguyện vọng thực sự chính đáng...

Đồng chí Tống Mỹ Cường,
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Kinh nghiệm về công tác BTGPMB chính là đảm bảo sự công bằng, tính công khai, minh bạch, dân chủ trong việc tổ chức và thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, để nhân dân trong vùng thực hiện dự án được biết, được tham gia bàn bạc thảo luận phương án bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để có sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc chấp hành giao đất cho Nhà nước vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích cộng đồng và phát triển KT-XH. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tham gia vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BTGPMB; xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị, những tâm tư và bức xúc của nhân dân trong vùng dự án.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ,
Phó Chủ tịch UBND Tp Phan Rang-Tháp Chàm:

Công tác BTGPMB trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau Hội nghị chuyên đề về công tác BTGPMB năm 2011 do UBND tỉnh tổ chức. Để thực hiện tốt công tác này, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4707/2011/QĐ-UBND ngày 25-11-2011 về việc ban hành quy chế phối hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm về công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nghe báo cáo về tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, qua đó chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời đối với các địa phương, đơn vị về công tác phối hợp để thực hiện tốt hơn công tác này.

 

Đồng chí Nguyễn Thành Phú,
Phó Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị-Sở Xây dựng:

Để thực hiện tốt công tác BTGPMB, UBND tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, nhất là ở cấp cơ sở. Trong đó, tập trung vào việc quản lý, thực hiện tốt quy  hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; làm tốt công tác đăng ký, cập nhật kịp thời biến động đất đai, kiên quyết chấm dứt tình trạng sử dụng đất tự phát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai đến các tầng lớp nhân dân, các đối tượng sử dụng đất. Bố trí đủ nguồn vốn dành cho công tác chi trả tiền bồi thường.

 

Đồng chí Ngô Văn Sậy,
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam:

Hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai 13 dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh nên công tác BTGPMB luôn “nóng”. Xác định công tác BTGPMB là nhiệm vụ trọng tâm, không những ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư, xây dựng mà còn liên quan đến công tác ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương, vì vậy huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị làm việc với các chủ đầu tư, các ban, ngành của tỉnh và chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc kiểm tra tiến độ thực hiện dự án và tập trung đề ra những phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BTGPMB. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần đối thoại trực tiếp với các hộ dân nằm trong chỉ giới thu hồi đất để giải đáp, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất khi phải di chuyển chỗ ở, GPMB. Nhờ vậy, công tác BTGPMB luôn thực hiện đạt tiến độ đề ra.

 

*Mời xem video clip: Ninh Thuận: Hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng