Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống thương mại

(NTO) Nhìn lại thực trạng

Những năm qua, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển hệ thống chợ và siêu thị. Trong đó, giai đoạn 2003 – 2010 từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương, tỉnh ta đã đầu tư phát triển mới 15 chợ, với tổng nguồn vốn trên 14,3 tỷ đồng; trong năm 2010 và 2011, tỉnh ta đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây mới và cải tạo nâng cấp thêm 4 chợ, nâng tổng số chợ và siêu thị hiện có trên địa bàn lên 101 chợ (trong đó, có 2 chợ loại I, 10 chợ loại II và 89 chợ loại III) và 5 siêu thị. Nhờ đó, đã hình thành nhiều kênh phân phối, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

 
Chợ Phan Rang được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu kinh doanh mua bán của nhân dân trong tỉnh.
Ảnh: Văn Thanh

Ông Phan Văn Luông, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Hầu hết hệ thống các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh ta đều được nâng cấp xây mới theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo tốt công tác quản lý, an toàn phòng cháy chữa cháy, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong vài năm trở lại đây nhờ có chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính nên việc xã hội hóa đầu tư về chợ ở một số địa phương được người dân hết sức quan tâm. Đơn cử như ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), toàn xã có 4 thôn thì đã có 3 thôn người dân tự bỏ vốn ra xây chợ... Chính nhờ các hệ thống thương mại trên đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta từ đầu năm đến nay đạt 6.071 tỷ đồng, tăng 20,63% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nêu trên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Trong tổng số chợ hiện có, nếu phân theo từng địa bàn thì hiện nay huyện Ninh Phước là địa phương có số chợ nhiều nhất với 33 chợ, tiếp đến là huyện Ninh Hải 22 chợ, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm 17 chợ, huyện Ninh Sơn 12 chợ, huyện Thuận Nam 11 chợ, huyện Thuận Bắc 6 chợ và ít nhất là huyện Bác Ái có 2 chợ. Điều đáng nói là việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, xã hội hóa đầu tư về chợ và hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh ta vẫn phát triển chưa mạnh, chỉ mới tập trung ở khu vực thành thị và những khu vực tập trung đông dân cư. Còn ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa dù chợ đã được đầu tư xây mới nhưng hoạt động không mấy hiệu quả, thậm chí có nhiều chợ xây xong đã lâu vẫn không có người vào buôn bán. Cụ thể như ở xã Phước Thắng (Bác Ái), để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân khi chuyển về khu tái định cư mới, năm 2006, tỉnh ta đầu tư gần 600 triệu đồng để xây mới chợ hạng III, với diện tích 236 m2 tại thôn Ma Ty. Thế nhưng, hơn 7 năm nay chợ này vẫn để không!. Đồng chí Katơ Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nguyên nhân là do khi xây chợ các đơn vị đầu tư không khảo sát kỹ địa điểm và do nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn chưa phát triển, tập quán mua bán của bà con lâu nay chỉ quen trao đổi là chủ yếu, chưa mang tính buôn bán theo dịch vụ ở chợ”.

 
Phiên chợ vùng cao xã Phước Tiến, huyện Bác Ái.

Chợ Đô Vinh, dù nằm trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, nhưng ngôi chợ này cũng nhiều lần phải dời đi, dời lại do việc xác định vị trí xây dựng ban đầu không phù hợp. Đồng chí Phạm Thanh Quang, Chủ tịch UBND phường Đô Vinh cho biết: “Năm 2006, từ ngân sách nhà nước 600 triệu đồng, thành phố đầu tư xây dựng chợ Đô Vinh rộng 1.500 m2, theo diện chợ hạng III, tại khu phố 2 để phục vụ nhu cầu mua bán của bà con. Thế nhưng, khi chợ xây xong bà con không vào chợ buôn bán vì cho rằng địa điểm xây chợ trái đường, ít người mua. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, nhưng bà con chỉ vào bán buổi sáng còn buổi chiều trở lại họp chợ trên đường Nguyễn Cư Trinh. Trước thực trang trên, cuối năm 2011 Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã cho hoán chuyển dời Trung tâm hoạt động Thể dục thể thao Tháp Chàm vào hoạt động tại chợ Đô Vinh và lấy toàn bộ khuôn viên của trung tâm này sửa chữa lại để làm chợ cho bà con chuyển vào kinh doanh, buôn bán thì đến nay hoạt động ổn định.

Từ thực tế của chợ Phước Thắng, Đô Vinh và một số chợ khác ở các địa phương cho thấy, đây là bài học mà các ngành, các địa phương cần rút kinh nghiệm để có sự cân nhắc kỹ, nhất là trong việc lựa chọn địa điểm khi phát triển hệ thống chợ và các trung tâm thương mại trong thời gian tới.

Hướng đến xây dựng hệ thống thương mại hoàn chỉnh

Với mục tiêu phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích trên cơ sở kết hợp hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội…, theo lãnh đạo ngành Công Thương, giai đoạn từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ đầu tư khoảng 111,8 tỷ đồng (từ nguồn vốn Nhà nước, các doanh nghiệp) để phát triển thêm khoảng 78 chợ. Trong đó, phát triển mới 34 chợ, gồm: Tp.Phan Rang – Tháp Chàm 6 chợ, huyện Ninh Hải 21 chợ, huyện Thuận Bắc 14 chợ, huyện Ninh Phước 21 chợ, huyện Ninh Sơn 4 chợ, huyện Thuận Nam 8 chợ và huyện Bác Ái 4 chợ.

Để đạt được kế hoạch trên, trong quy hoạch, phát triển hệ thống chợ và các trung tâm thương mại, tỉnh sẽ lựa chọn các địa điểm thuận lợi về giao thông, gần khu dân cư, diện tích đất đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh của từng loại hình. Trong đó, đối với vùng nông thôn sẽ cải tạo, xây mới để đảm bảo đủ các chợ dân sinh ở các xã. Tại khu vực thành thị sẽ lựa chọn một số chợ có quy mô lớn để nâng cấp, cải tạo thành chợ trung tâm với quy mô hạng I và chuyển một số chợ dân sinh có quy mô diện tích nhỏ thành các siêu thị loại III hoặc cửa hàng tiện tích. Đặc biệt, trong loại hình chợ đầu mối, ngoài việc quy hoạch, mở rộng chợ đầu mối Tấn Tài, tỉnh ta cũng đang tính đến việc phát triển thêm một số chợ đầu mối buôn bán nông sản, thực phẩm cấp vùng để đẩy mạnh sự liên kết giữa thị trường trong tỉnh với thị trường trong khu vực. Khuyến khích, tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia xã hội hóa đầu tư phát triển chợ. Thực hiện chuyển đổi một số ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác quản lý chợ….

Đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc sở Công Thương:

Việc phát triển hệ thống thương mại đã được tỉnh ta quan tâm từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, kết quả thực hiện theo quy hoạch chưa cao, do nguồn vốn phân bổ đầu tư phát triển thương mại, nhất là hệ thống chợ, siêu thị còn nhiều hạn chế. Để từng bước thiết lập hệ thống thương mại hoàn chỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, thời gian tới ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách phân bổ, ngành sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích thu thút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện như bố trí mặt bằng cho các dự án chợ, trung tâm thương mại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này được vay vốn ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đặc biệt, việc xây dựng, phát triển hệ thống chợ và các trung tâm thương mại sẽ được tính toán gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển đô thị và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm:

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hiện có 17 chợ, 5 siêu thị và hàng trăm cơ sở kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, sự phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với ưu thế của một đô thị trung tâm. Để xây dựng hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo quy hoạch đề ra, thời gian tới thành phố sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp: Sẽ tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phối hợp các ngành liên quan đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm thương mại tại Tháp Chàm, mở rộng chợ Đô Vinh và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa đầu tư về chợ. Việc đầu tư, chuyển đổi, nâng cấp hệ thống thương mại không chỉ dừng lại ở việc đưa hàng đến với người tiêu dùng mà còn gắn liền với việc chỉnh trang, quy hoạch chung để tiến đến xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trong thời gian tới.

Ông Trương Phan Thành Trai, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà:

Trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng muốn có thêm sự lựa chọn từ những hệ thống phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp như siêu thị, trung tâm thương mại. Nhưng phần lớn các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn đều tập trung tại địa bàn thành thị hoặc các khu trung tâm đông dân cư. Nguyên nhân là do vùng nông thôn dân cư sống rải rác, cuộc sống và mức thu nhập người dân còn thấp nên khi đầu tư khả năng thu hồi vốn rất chậm. Chính những nguyên nhân trên mà các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại ở các vùng nông thôn. Vì thế, cách tốt nhất mà tỉnh cần làm trong thời gian tới, đó là phải quy hoạch lại một cách đồng bộ việc phát triển hệ thống chợ gắn với phát triển hệ thống giao thông và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để rút ngắn khoảng cách giao thương, tạo điều kiện cho người dân trao đổi, mua bán hàng hóa giữa các địa phương với nhau tốt hơn.