Các doanh nghiệp viễn thông: Vươn ra biển lớn

Thị trường viễn thông trong nước đã bão hòa. Để mở rộng thị trường, các DN lớn đã đầu tư ra nước ngoài. Sau Viettel, VNPT đã xúc tiến đầu tư kinh doanh viễn thông tại thị trường nước ngoài.

Cách đây 4 năm, Viettel đã kinh doanh dịch vụ tại thị trường Campuchia và đến nay trở thành nhà cung cấp lớn nhất dẫn đầu về hạ tầng, thuê bao tại thị trường nước này. Tại Lào, sau khi khai trương dịch vụ năm 2009, Viettel đã vượt qua nhiều nhà cung cấp khác để dẫn đầu thị phần ở quốc gia này. Không chỉ kinh doanh viễn thông, Viettel cung cấp dịch vụ bưu chính và chỉ sau 1 năm, việc kinh doanh bưu chính đã có lãi. Nối tiếp thành công bước đầu từ hai thị trường trên, Viettel đã liên tiếp khai trương dịch vụ tại Haiiti, Mozambique. Gần đây, các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin (đã được báo chí trong nước đưa tin lại), Viettel đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ tại một số quốc gia, trong đó chi nhánh Viettel tại Peru đã giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông tại quốc gia Nam Mỹ này; rồi Viettel thành lập chi nhánh tại Đông Timor - quốc gia thứ 6 mà tập đoàn này đầu tư kinh doanh. Được biết, ngoài những quốc gia đã đầu tư kể trên, Viettel cũng xúc tiến đầu tư tại một số thị trường thuộc khu vực Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á.

Cán bộ kỹ thuật của Viettel tại Haiiti lắp đặt mạng lưới cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Xuân An

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, khi đầu tư ra nước ngoài, VNPT chọn hình thức liên doanh với đối tác nước bạn. Hiện nay, VTI (đơn vị thành viên của VNPT) đã ký kết hợp tác với Lào, Campuchia để triển khai kinh doanh dịch vụ vệ tinh. Các DN khác của VNPT cũng xúc tiến để cung cấp thiết bị viễn thông cho thị trường Myanmar. Đặc biệt, Mobifone đã đặt mục tiêu trở thành một trong 10 mạng di động hàng đầu Châu Á và để thực hiện phải mở rộng khai thác tại thị trường nước ngoài. Được biết, lãnh đạo Mobifone đang xúc tiến việc đầu tư hợp tác tại thị trường Myanmar và nhà mạng này sẽ cùng đối tác tại nước bạn rút ngắn thời gian đưa dịch vụ di động ra thị trường, biến dịch vụ đang được coi là xa xỉ trở thành bình dân để người dân ở đây được sử dụng. Như vậy, sau Viettel, Mobifone là mạng di động thứ hai xúc tiến đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.

Theo một chuyên gia trong ngành, đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông tại nước ngoài đòi hỏi vốn đầu tư không nhỏ và cũng phải trong thời gian vài năm DN mới có lãi. Được biết, tại một số thị trường mà Viettel đã kinh doanh dịch vụ ở nước ngoài, chỉ số APRU (doanh thu/thuê bao) đều cao hơn so với trong nước. Theo số liệu mà Viettel đã đưa ra tại hội nghị về đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong tháng 5-2012, năm qua tập đoàn này chuyển lợi nhuận về nước khoảng 40 triệu USD (nhiều hơn số tiền đầu tư vào xây dựng mạng viễn thông tại Campuchia) và dự kiến năm 2012 là 80 triệu USD. Như vậy, việc đầu tư kinh doanh ra nước ngoài tuy không phải là dễ dàng, thuận lợi, song nó vẫn là cơ hội lớn cho các DN viễn thông, nhất là trong bối cảnh thị trường trong nước đã bão hòa. Hơn nữa, khi đã có thị trường nước ngoài, tỷ lệ thuê bao của nhà mạng tăng lên và đó cũng là thế đối trọng của DN trong việc hợp tác với các thương hiệu toàn cầu.

Nguồn Báo Hànộimới